Hỏi: Tôi muốn hỏi hành vi làm sai nội dung văn bản công chứng được xử lý như thế nào theo quy định pháp luật? (Anh Hải – Hải Phòng)
VPLS Dương Công trả lời (Câu trả lời mang tính chất minh hoạ):
1. Văn bản công chứng là gì?
Khoản 4 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm năm 2018) quy định:
“4. Văn bản công chứng là hợp đồng, giao dịch, bản dịch đã được công chứng viên chứng nhận theo quy định của Luật này.”
Cùng với đó căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Luật Công chứng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm năm 2018) quy định về hiệu lực pháp lý của văn bản công chứng, cụ thể:
“Điều 5. Giá trị pháp lý của văn bản công chứng
1. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
2. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.
3. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
4. Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch.“
2. Trách nhiệm pháp lý của công chứng viên đối với nội dung công chứng
Điều 17 Luật Công chứng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm năm 2018) quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của công chứng viên, theo đó:
+ Công chứng viên có các quyền sau đây:
- Được pháp luật bảo đảm quyền hành nghề công chứng;
- Tham gia thành lập Văn phòng công chứng hoặc làm việc theo chế độ hợp đồng cho tổ chức hành nghề công chứng;
- Được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch theo quy định của Luật này;
- Đề nghị cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện việc công chứng;
- Được từ chối công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội;
- Các quyền khác theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
+ Công chứng viên có các nghĩa vụ sau đây:
- Tuân thủ các nguyên tắc hành nghề công chứng;
- Hành nghề tại một tổ chức hành nghề công chứng;
- Tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng;
- Giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng; trường hợp từ chối yêu cầu công chứng thì phải giải thích rõ lý do cho người yêu cầu công chứng;
- Giữ bí mật về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;
- Tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình; chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của Văn phòng công chứng mà mình là công chứng viên hợp danh;
- Tham gia tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên;
- Chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của tổ chức hành nghề công chứng mà mình làm công chứng viên và tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên mà mình là thành viên;
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Như vậy, một trong những nghĩa vụ quan trọng của công chứng viên đó là phải tuân thủ các nguyên tắc hành nghề công chứng và chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình
3. Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi làm sai lệch nội dung công chứng
Điểm đ, e Khoản 1 Điều 7 Luật Công chứng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm năm 2018) quy định các hành vi nghiêm cấm công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng thực hiện, cụ thể:
“1. Nghiêm cấm công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng thực hiện các hành vi sau đây:
…
đ) Nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người yêu cầu công chứng ngoài phí công chứng, thù lao công chứng và chi phí khác đã được xác định, thỏa thuận; nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện việc công chứng gây thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức có liên quan;
e) Ép buộc người khác sử dụng dịch vụ của mình; cấu kết, thông đồng với người yêu cầu công chứng và những người có liên quan làm sai lệch nội dung của văn bản công chứng, hồ sơ công chứng;
…”
Như vậy, việc công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng làm sai lệch nội dung công chứng là hành vi vi phạm pháp luật, nếu công chứng viên vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Cụ thể, Công chứng viên vi phạm quy định của Luật Công chứng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Tổ chức hành nghề công chứng vi phạm quy định của Luật Công chứng thì bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Xem thêm:
Quy định về công chứng bản dịch mới nhất
Phân biệt: công chứng, chứng thực
Hợp đồng thuê nhà có bắt buộc phải công chứng chứng thực không?
Lưu ý: Các thông tin, nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.
Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com