Quy định pháp luật về hành vi bạo lực trẻ em

Những vụ việc liên quan đến bạo lực trẻ em xảy ra gần đây đã gây nhức nhối trong dư luận, các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành xem xét và xử lý đối với các hành vi có dấu hiệu bạo hành và ngược đãi trẻ em. Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định rất cụ thể và đưa ra chế tài nghiêm khắc đối với hành vi trên, bởi tất cả trẻ em đều có quyền được bảo vệ khỏi bạo hành, bất kể bản chất hay mức độ nghiêm trọng của hành vi này và mọi hình thức bạo hành đều có thể gây hại cho trẻ em và cản trở sự phát triển của chúng.

Nguồn: Internet

1. Bạo lực trẻ em là gì?
Luật Trẻ em 2016 quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi và có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển.

Khoản 6 Điều 4 Luật Trẻ em 2016 giải thích “Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.”

Như vậy, bất kỳ hành vi nào cố ý làm hại trẻ dưới 16 tuổi đều được coi là bạo hành và ngược đãi trẻ em. Bạo lực trẻ em có thể diễn ra theo nhiều hình thức khác nhau và thường được gây ra cùng một lúc, như bạo hành trẻ em về thể chất, bạo hành trẻ về tinh thần, xâm hại tình dục trẻ em, bỏ mặc trẻ em, …

2. Chế tài xử phạt đối với hành vi bạo lực trẻ em

Khoản 1 Điều 37 Hiến pháp 2013 có quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.”

Căn cứ vào mục đích, động cơ, hậu quả của hành vi bạo hành, và tùy trường hợp người bạo hành có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:

  • Trách nhiệm hành chính

Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về cấm bạo lực với trẻ em như sau:

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;

+ Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;

+ Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;

+ Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

– Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em.

+ Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

  • Trách nhiệm hình sự

Dựa vào tính chất, mức độ của hành vi bạo hành trẻ em thì người thực hiện hành vi bạo hành nếu gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của trẻ em thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như sau:

– Tội hành hạ người khác (Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017): Phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe đối với trẻ em (điểm c khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015): Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

– Tội vô ý làm chết người (theo khoản 1 Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015):

+ Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

+ Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

– Tội giết trẻ em (điểm b khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015): Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Như vậy, người có hành vi bạo lực là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào mức độ và tính chất của hành vi phạm tội.

Xem thêm:

Hành vi cưỡng ép trẻ em sử dụng ma túy bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án bao nhiêu năm

Những hành vi bạo lực học đường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?


Lưu ý: Các thông tin, nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *