Trong thời kỳ kinh tế hội nhập và phát triển như hiện nay. Thì giao dịch trên thị trường quốc tế luôn được quan tâm. Vậy để các giao dịch diễn ra một cách thuận lợi và dễ dàng thì không thể thiếu vấn đề dịch thuật. Để bảo đảm giá trị pháp lý cao nhất có những trường hợp bắt buộc phải thực hiện thủ tục công chứng bản dịch. Cùng tìm hiểu thủ tục công chứng bản dịch qua bài viết sau.
1. Công chứng bản dịch là gì?
- Đầu tiên chúng ta cần tìm hiểu bản dịch là gì? Thuật ngữ pháp lý không định nghĩa cụ thể về khái niệm này. Chúng ta có thể hiểu bản dịch chính là sản phẩm của việc thực hiện chuyển đổi từ một loại ngôn ngữ này sang một loại hoặc nhiều ngôn ngữ khác mà chúng ta cần dịch thuật. Bản dịch theo nghĩa cần tìm hiểu trong bài viết này là các giấy tờ, văn bản được dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt. Đây không còn là một hoạt động quá xa lạ với mọi người. Vì đa phần trên thế giới có rất nhiều tài liệu, hồ sơ, sách … được viết bằng tiếng nước ngoài, bản thân chúng ta không giỏi ngôn ngữ đó và không biết về nó thì chúng ta cần tìm đến bản dịch để hiểu được nội dung của tài liệu đó.
- Vậy công chứng bản dịch là gì? Theo quy định tại khoản 1, Điều 2 Luật Công chứng 2014 thì công chứng là công việc của công chứng viên nhằm chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; tính chính xác, hợp pháp không trái đạo đức xã hội của bản dịch. Vậy công chứng bản dịch cũng là hoạt động, công việc của công chứng viên thực hiện nhằm xác định giá trị pháp lý cao nhất của bản dịch giống các hoạt động công chứng giao dịch, hợp đồng thông thường.
- Tuy nhiên, cũng cần lưu ý vì là bản dịch là giấy tờ tài liệu được truyền tải sang ngôn ngữ khác bản gốc nên về thủ tục công chứng cũng sẽ có những vấn đề khác biệt. Căn cứ theo quy định tại Điều 61, Luật công chứng 2014 thì việc dịch thuật văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng khác để thực hiện thủ tục công chứng phải do cộng tác viên dịch thuật của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Không phải mọi chủ thể đều có thể dịch văn bản để công chứng. Cộng tác viên dịch văn bản công chứng phải là người tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc đại học khác mà thông thạo thứ tiếng nước ngoài cần dịch. Nội dung của bản dịch sẽ do cộng tác viên đã dịch chịu trách nhiệm với tổ chức hành nghề công chứng.
2 Công chứng bản dịch ở đâu?
- Vậy bạn đọc có nhu cầu cần công chứng bản dịch phải thực hiện ở đâu? Căn cứ theo quy định của Luật công chứng 2014 thì công chứng bản dịch được thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, bao gồm Phòng công chứng/Văn phòng công chứng. Đối với một số giao dịch, hợp đồng thì có những trường hợp được thực hiện công chứng tại cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, đối với hoạt động công chứng bản dịch chỉ được thực hiện tại Phòng công chứng và Văn phòng công chứng để đảm bảo được thực hiện đúng theo quy trình thủ tục công chứng bản dịch.
3. Tiêu chuẩn, điều kiện của người dịch mới nhất
Tại Điều 27 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của người dịch như sau:
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
– Có bằng cử nhân ngoại ngữ trở lên về thứ tiếng nước ngoài cần dịch hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên đối với thứ tiếng nước ngoài cần dịch.
Đối với ngôn ngữ không phổ biến mà người dịch không có bằng cử nhân ngoại ngữ, bằng tốt nghiệp đại học theo quy định tại Khoản này thì phải thông thạo ngôn ngữ cần dịch.
4. Quy định về công chứng bản dịch
Tại Điều 61 Luật Công chứng 2014 quy định về công chứng bản dịch như sau:
– Việc dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để công chứng phải do người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Cộng tác viên phải là người tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc đại học khác mà thông thạo thứ tiếng nước ngoài đó. Cộng tác viên phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện.
– Công chứng viên tiếp nhận bản chính giấy tờ, văn bản cần dịch, kiểm tra và giao cho người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình thực hiện. Người phiên dịch phải ký vào từng trang của bản dịch trước khi công chứng viên ghi lời chứng và ký vào từng trang của bản dịch.
Từng trang của bản dịch phải được đóng dấu chữ “Bản dịch” vào chỗ trống phía trên bên phải; bản dịch phải được đính kèm với bản sao của bản chính và được đóng dấu giáp lai.
– Lời chứng của công chứng viên đối với bản dịch phải ghi rõ thời điểm, địa điểm công chứng, họ tên công chứng viên, tên tổ chức hành nghề công chứng; họ tên người phiên dịch; chứng nhận chữ ký trong bản dịch đúng là chữ ký của người phiên dịch; chứng nhận nội dung bản dịch là chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội; có chữ ký của công chứng viên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
– Công chứng viên không được nhận và công chứng bản dịch trong các trường hợp sau đây:
+ Công chứng viên biết hoặc phải biết bản chính được cấp sai thẩm quyền hoặc không hợp lệ; bản chính giả;
+ Giấy tờ, văn bản được yêu cầu dịch đã bị tẩy xoá, sửa chữa, thêm, bớt hoặc bị hư hỏng, cũ nát không thể xác định rõ nội dung;
+ Giấy tờ, văn bản được yêu cầu dịch thuộc bí mật nhà nước; giấy tờ, văn bản bị cấm phổ biến theo quy định của pháp luật.
5. Thủ tục chứng thực chữ ký người dịch
Tại Điều 31 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về thủ tục chứng thực chữ ký người dịch như sau:
– Người dịch là cộng tác viên của Phòng Tư pháp yêu cầu chứng thực chữ ký phải xuất trình bản dịch và giấy tờ, văn bản cần dịch.
Khi thực hiện chứng thực, người thực hiện chứng thực phải đối chiếu chữ ký của họ trên bản dịch với chữ ký mẫu trước khi thực hiện chứng thực; trường hợp nghi ngờ chữ ký trên bản dịch so với chữ ký mẫu thì yêu cầu người dịch ký trước mặt.
– Đối với người không phải là cộng tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp mà tự dịch giấy tờ, văn bản phục vụ mục đích cá nhân và có yêu cầu chứng thực chữ ký trên bản dịch thì phải xuất trình các giấy tờ sau đây:
+ Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;
+ Bản chính hoặc bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 23/2015/NĐ-CP; trừ trường hợp dịch những ngôn ngữ không phổ biến mà người dịch không có bằng cử nhân ngoại ngữ, bằng tốt nghiệp đại học nhưng thông thạo ngôn ngữ cần dịch;
– Bản dịch đính kèm giấy tờ, văn bản cần dịch.
Người yêu cầu chứng thực phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP.
– Người thực hiện chứng thực kiểm tra giấy tờ yêu cầu chứng thực, tùy theo từng trường hợp, nếu thấy đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 31 Nghị định 23/2015/NĐ-CP và giấy tờ, văn bản được dịch không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 32 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì thực hiện chứng thực như sau:
+ Ghi đầy đủ lời chứng chứng thực chữ ký người dịch theo mẫu quy định;
+ Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.
Đối với bản dịch giấy tờ, văn bản có từ 02 (hai) trang trở lên thì ghi lời chứng vào trang cuối, nếu giấy tờ, văn bản có từ 02 (hai) tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.
– Trường hợp người dịch là viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự đồng thời là người thực hiện chứng thực tại các Cơ quan đại diện thì viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự phải cam đoan về việc đã dịch chính xác nội dung giấy tờ, văn bản; ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu của Cơ quan đại diện.
Đọc thêm:
Phân biệt: công chứng, chứng thực
Một số vấn đề về công chứng hợp đồng ủy quyền
Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com