Trong điều kiện kinh tế mở cửa như hiện nay, hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ từ nước ngoài đã trở nên phổ biến trên thị trường Việt Nam. Để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng được tiếp cận, sử dụng đúng sản phẩm có xuất xứ nước ngoài đúng chức năng, công dụng, Việt Nam đã có những quy định pháp luật cụ thể về việc ghi nhãn phụ tiếng Việt đối với hàng hóa nhập khẩu. Cụ thể:
1. Nhãn phụ là gì?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 của Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa: “Nhãn phụ sử dụng đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định này.”
Khoản 3 Điều 7 của Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định: “3. Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.”
Như vậy, nếu nhãn gốc hàng hóa nhập khẩu thiếu những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam thì phải bổ sung thêm nhãn phụ. Nhãn phụ hay còn được gọi là tem phụ là một loại tem nhãn được dán chắc chắn trên hàng hóa hoặc bao bì sản phẩm để thể hiện các thông tin cần thiết về hàng hóa dịch từ nhãn gốc tiếng nước ngoài sang tiếng Việt Nam.
Ngoài ra, theo Khoản 5 Điều 8 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, có một số loại hàng hóa không bắt buộc phải ghi nhãn phụ, bao gồm:
- Linh kiện nhập khẩu để thay thế các linh kiện bị hỏng trong dịch vụ bảo hành hàng hóa của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đối với hàng hóa đó, không bán ra thị trường;
- Nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, linh kiện nhập khẩu về để sản xuất, không bán ra thị trường.
2. Quy định pháp luật về nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu
- Nội dung bắt buộc phải có trên nhãn phụ:
- Tên hàng hóa;
- Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;
- Xuất xứ hàng hóa;
- Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định tại Phụ lục I của Nghị định 43/2017/NĐ-CP và văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Ví dụ như đối với hàng hóa nhập khẩu là đồ chơi trẻ em, ngoài những thông tin bắt buộc trên, nhãn phụ cần phải có các thông tin liên quan đến thành phần, thông số kỹ thuật, thông tin cảnh báo, hướng dẫn sử dụng, năm sản xuất.
- Vị trí dán nhãn phụ:
- Nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa;
- Không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc.
- Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa.
3. Mức xử phạt hành vi kinh doanh hàng hóa nhập khẩu không có nhãn phụ
Trường hợp cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa là hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam là vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 126/2021/NĐ-CP.
- Tùy vào giá trị hàng hóa vi phạm, mức tiền xử phạt được quy định tại khoản 2 Điều 31 (mức phạt áp dụng đối với tổ chức; cá nhân có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền được giảm đi một nửa).
-
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;
- Phạt tiền gấp 02 lần mức tiền phạt quy định trong trường hợp hàng hóa vi phạm là: lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng.
- Ngoài ra, tổ chức cá nhân vi phạm cần thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả sau:
- Thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau: buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông; buộc thu hồi và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm, buộc tiêu hủy hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa có nhãn vi phạm trong trường hợp không thể tách rời nhãn hàng hóa vi phạm ra khỏi hàng hóa;
- Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định pháp luật.
Xem thêm:
Hồ sơ, trình tự thủ tục công bố mỹ phẩm nhập khẩu
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.
Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com