Quy định về thủ tục nhập khẩu hóa chất để kinh doanh sản xuất trong nước

Những năm gần đây, mặt hàng hóa chất được nhập khẩu về Việt Nam liên tục tăng cao, từ các thị trường chính như: Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan… để đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất công – nông nghiệp trong nước đang ngày càng phát triển. Hóa chất là mặt hàng nhập khẩu rất đặc biệt, và có nhiều loại hóa chất được nhà nước kiểm soát khắt khe khi nhập khẩu. Vì vậy khi làm thủ tục nhập khẩu hóa chất, các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý những quy định của pháp luật được VPLS Dương Công đề cập trong bài viết dưới đây:

(LSC) Quy định về thủ tục nhập khẩu hóa chất để kinh doanh sản xuất trong nước

I. Căn cứ pháp lý

– Luật hóa chất 2007

– Nghị định 113/2017/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất

Thông tư số 69/2016/TT-BTC Quy định thủ tục hải quan đối với xăng dầu, hóa chất, khí xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và pha chế hoặc gia công xuất khẩu xăng dầu, khí; dầu thô xuất khẩu, nhập khẩu; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ hoạt động dầu khí.

Thông tư số 32/2017/TT-BCT ngày 28/12/2017 của Bộ Công thương quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hóa chất.

II. Nội dung tư vấn

Hóa chất là đơn chất, hợp chất, hỗn hợp chất được con người khai thác hoặc tạo ra từ nguồn nguyên liệu tự nhiên, nguyên liệu nhân tạo. Nội dung Nghị định số 113/2017/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ cụ thể điều kiện kinh doanh, nhập khẩu cũng như sử dụng các loại hóa chất căn cứ theo các phụ lục ban hành kèm theo như sau:

Phụ lục 1: Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có đều kiện trong lĩnh vực công nghiệp. Phụ lục này cũng bao gồm danh mục các Tiền chất công nghiệp nhóm 1 và Tiền chất công nghiệp nhóm 2 (Tiền chất là các chất không thể thiếu được trong quá trình điều chế, sản xuất các chất ma túy).

Phụ lục 2: Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.

Phụ lục 3: Danh Mục hóa chất cấm.

Phụ lục 4: Danh mục hóa chất nguy hiểm phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.

Phụ lục 5: Danh mục hóa chất phải khai báo hóa chất.

Trong trường hợp các hóa chất có tính chất nguy hiểm, các doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, bao gồm các chất và hỗn hợp chứa các chất quy định tại Bảng 1 của Phụ lục 4, khi phân loại theo hệ thống hài hoà toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hoá chất – viết tắt là GHS (Globally Harmonized System of Classification and Labeling of Chemicals) thuộc trường hợp quy định tại Bảng 2 Phụ lục này.

Để thuận lợi trong quá trình nhập khẩu cũng như kinh doanh hóa chất, các doanh nghiệp cần phải tham khảo Nghị định số 113/NĐ-CP để kiểm tra, đối chiếu các loại hóa chất mà doanh nghiệp muốn kinh doanh, nhập khẩu:

Nếu hàng hóa chất nằm trong phụ lục 1 và 2: doanh Nghiệp cần tiến hành xin giấy phép đủ đều kiện kinh doanh, sử dụng.

Nếu hàng hóa chất nằm trong phụ lục 3: không được kinh doanh cũng như nhập khẩu.

Nếu hàng hóa chất nằm trong phụ lục 4: doanh nghiệp cần lập danh mục hóa chất nguy hiểm phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trước khi nhập khẩu kinh doanh.

1. Đối với hóa chất nằm trong phụ lục 1 và 2 (hóa chất sản xuất, kinh doanh có đều kiện)

Tiền chất công nghiệp là các hóa chất được sử dụng làm nguyên liệu, dung môi, chất xúc tiến trong sản xuất, nghiên cứu khoa học, phân tích, kiểm nghiệm, đồng thời là các hóa chất không thể thiếu trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy, được quy định trong danh mục do Chính phủ ban hành. Danh mục tiền chất công nghiệp được phân theo mức độ nguy hiểm để quản lý, kiểm soát cho phù hợp, gồm tiền chất công nghiệp Nhóm 1 và tiền chất công nghiệp Nhóm 2.

Xuất khẩu, nhập khẩu Tiền chất (các tiền chất trong Phụ lục I) phải có giấy phép xuất nhập khẩu để được thông quan hàng hóa. Tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp phải có Giấy phép của Bộ Công thương cấp. Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp là điều kiện để thông quan khi xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp; doanh nghiệp nội địa khi xuất khẩu tiền chất vào Khu chế xuất không phải xin giấy phép của Bộ Công thương.

Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 12, Nghị định số 113/2017/NĐ-CP.

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp.

b) Bản sao giấy tờ về việc đăng ký thành lập đối với tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu lần đầu;

c) Bản sao hợp đồng hoặc một trong các tài liệu: Thỏa thuận mua bán, đơn đặt hàng, bản ghi nhớ, hóa đơn ghi rõ tên, số lượng tiền chất công nghiệp;

d) Báo cáo về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán và sử dụng tiền chất công nghiệp của Giấy phép đã được cấp gần nhất đối với tiền chất công nghiệp Nhóm 1.

Trình tự, thủ tục cấp phép: Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp lập 01 bộ hồ sơ gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp phép kiểm tra hồ sơ và cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp. Trường hợp không cấp Giấy phép, cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

Thời hạn của Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất:

– Đối với tiền chất công nghiệp Nhóm 1, Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu được cấp cho từng lô xuất khẩu, nhập khẩu và có thời hạn trong vòng 6 tháng kể từ ngày cấp;

-Đối với tiền chất công nghiệp Nhóm 2, Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu có thời hạn trong vòng 6 tháng kể từ ngày cấp.

Các trường hợp miễn trừ giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp: Hàng hóa chứa tiền chất công nghiệp Nhóm 1 có hàm lượng nhỏ hơn 1% khối lượng; Hàng hóa chứa tiền chất công nghiệp Nhóm 2 có hàm lượng nhỏ hơn 5% khối lượng.

2. Đối với hóa chất nằm trong phụ lục 3 (hóa chất cấm)

Hóa chất cấm là hóa chất đặc biệt nguy hiểm thuộc Danh mục hóa chất cấm do Chính phủ quy định. Tổ chức, cá nhân không được phép sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, cất giữ, sử dụng hóa chất thuộc Danh mục hóa chất cấm, trừ trường hợp đặc biệt để phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, việc sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất thuộc Danh mục hóa chất cấm phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Tổ chức, cá nhân được phép sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất thuộc Danh mục hóa chất cấm phải quản lý nghiêm ngặt số lượng; bảo đảm không để xảy ra thất thoát, sự cố; báo cáo định kỳ theo quy.

3. Đối với hóa chất nằm trong phụ lục 4 (hóa chất nguy hiểm phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.)

Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất nguy hiểm được quy định tại Nghị định 113/2017/NĐ-CP, trước khi đưa hóa chất vào sử dụng, lưu thông trên thị trường phải xây dựng Phiếu an toàn hóa chất bao gồm các thông tin theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung của Phiếu an toàn hóa chất.

Tổ chức, cá nhân phải lưu giữ Phiếu an toàn hóa chất đối với tất cả các hóa chất nguy hiểm trong cơ sở và đảm bảo tất cả các đối tượng có liên quan đến hóa chất nguy hiểm được cung cấp Phiếu an toàn hóa chất của các hóa chất nguy hiểm đó

4. Đối với Danh mục hóa chất phải khai báo (Phục lục 5)

Danh mục hóa chất phải khai báo được ban hành tại Phụ lục V kèm theo Nghị định 113/2017. Hóa chất phải khai báo bao gồm các chất thuộc Danh mục hóa chất phải khai báo và các hỗn hợp chứa các chất thuộc Danh mục hóa chất phải khai báo được phân loại theo quy định tại Điều 23 của Nghị định 113/2017 là hóa chất nguy hiểm trừ trường hợp được miễn trừ theo quy định tại Điều 28 Nghị định 113/2017.

Thủ tục khai báo và thông quan hóa chất thuộc danh mục phải khai báo:

-Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất phải khai báo có trách nhiệm thực hiện khai báo hóa chất nhập khẩu trước khi thông quan qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

-Thông tin phản hồi khai báo hóa chất nhập khẩu qua Cổng thông tin một cửa quốc gia theo mẫu quy định tại Phụ lục VI Nghị định 113/2017/NĐ-CP, có giá trị pháp lý để làm thủ tục thông quan.

-Trường hợp phát sinh sự cố hệ thống, tổ chức, cá nhân không thể thực hiện khai báo qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, trong thời gian chờ khắc phục sự cố, tổ chức, cá nhân có thể thực hiện khai báo hóa chất nhập khẩu qua hệ thống dự phòng do Cơ quan tiếp nhận thông tin khai báo quy định.

Các trường hợp miễn trừ khai báo hóa chất:

– Hóa chất được sản xuất, nhập khẩu phục vụ an ninh, quốc phòng, ứng phó các sự cố thiên tai, dịch bệnh khẩn cấp;

– Hóa chất là tiền chất ma túy, tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất bảng đã được cấp phép sản xuất, nhập khẩu;

– Hóa chất nhập khẩu dưới 10 kg/một lần nhập khẩu. Trường hợp miễn trừ nêu tại điểm này không áp dụng đối với các hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp;

– Hóa chất là nguyên liệu sản xuất thuốc đã có Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam, nguyên liệu sản xuất thuốc là dược chất để sản xuất theo hồ sơ đăng ký thuốc đã có Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam;

– Hóa chất là nguyên liệu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật đã có Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam.

Đọc thêm: (đang cập nhật)


Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.

Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *