Người bị hại trong vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”

Câu hỏi: Cho tôi hỏi trong một vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” (Điều 331 BLHS) gần đây người tham gia tố tụng lại không có người bị hại mà trước đó tại giai đoạn điều tra lại có người bị hại (chị H.B- Bầu Bàng, tỉnh Bình Dương)

           Ảnh minh họa, Nguồn: Internet

VPLS Dương Công trả lời: 

Trong vụ án về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, những người tố giác hành vi của bị can đều được xác định là người bị hại. Tuy nhiên, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử những người này lại được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Xét dưới góc độ khoa học hình sự, với mỗi cá nhân, danh dự, nhân phẩm và trên hết là tính mạng, sức khỏe được nhà nước bảo hộ từ Hiến pháp cho đến BLHS và các đạo luật khác. Trong BLHS có một chế định chung về “Các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người” được quy định tại Chương XIV. Trong chương này, quy định về các tội như tội “Giết người” (Điều 123), tội “Cố ý gây thương tích” (Điều 134), tội “Làm nhục” (Điều 155), tội “Vu khống” (Điều 156)… Như vậy, hành vi lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, trong một chừng mực nào đó cũng là biểu hiện của việc làm nhục, vu khống. Thế nhưng hành vi này được giải quyết bởi Điều 331 quy định về tội “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm đến lợi ích của nhà nước (chủ thể thứ nhất), của tổ chức (chủ thể thứ hai), của cá nhân (chủ thể thứ ba)”. Ba chủ thể này là rất khác biệt nhưng lại được đưa chung vào cùng một tội danh, một dạng “tội danh kép”, về bản chất là nhiều hành vi khác biệt được ghép lại với nhau một cách khiên cưỡng.

Hiện nay, tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Chương XXII BLHS thuộc chế định về “Các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý hành chính”. Trong đó, xâm phạm trật tự quản lý hành chính được hiểu là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến nhóm các quan hệ xã hội cùng tính chất là trật tự quản lý hành chính, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn và bình thường của cơ quan, tổ chức, nhà nước, làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước. Mà quản lý hành chính là chức năng cơ bản, quan trọng nhất trong quản lý xã hội, quản lý nhà nước và biện pháp hình sự được xây dựng trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, thuyết phục, cưỡng chế để đảm bảo trật tự, kỷ cương phép nước.

Như vậy, các tội danh thuộc Chương XXII BLHS, trong đó có Điều 331 nghiễm nhiên được xác định là xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính mà không phải quyền được bảo hộ danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Do đó, theo quy định này không có người bị hại. (Đây là sự bất cập của BLHS hy vọng rằng sớm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp)

Đọc thêm: Tội Vu Khống (Điều 156 BLHS)

                 Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân (Điều 331 BLHS)

Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *