Thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài – bất cập và một số kiến nghị

Quá trình Việt Nam hội nhập sâu rộng với quốc tế trong lĩnh vực thương mại đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp trong nước có nhiều không gian để kết nối và hợp tác quốc tế, trong quá trình đó, nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho các chủ thể thì những thiết chế pháp lý cần được hoàn thiện một cách phù hợp. Bài viết dưới đây tác giả đã chỉ ra những bất cập, từ đó đưa ra kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài tại Tòa án.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài – bất cập và một số kiến nghị

Sĩ Thành – Thái Dương

Nguồn: Internet

Một số bất cập, vướng mắc về thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài tại Tòa án

Nghiên cứu thực tiễn áp dụng pháp luật về tố tụng dân sự cho thấy có một số vướng mắc, bất cập đã phần nào hạn chế hiệu quả giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài tại Tòa án.

Cụ thể, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 với sứ mệnh của mình đã tạo lập hành lang pháp lý, hỗ trợ đắc lực vào duy trì ổn định trật tự xã hội, giải quyết những tranh chấp phát sinh trong đời sống dân sự. Dù vậy, tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài là vấn đề tương đối phức tạp, đặc thù, liên hệ mật thiết pháp luật quốc tế và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích thể nhân hoặc pháp nhân tại các quốc gia. Đối chiếu dựa trên yêu cầu từ thực tiễn, pháp luật về tố tụng dân sự hiện nay cho thấy một số điểm hạn chế liên quan đến thẩm quyền cùng hoạt động Tòa án.

Thứ nhất, khó khăn về nhận diện tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài.

Điều 30, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định tranh chấp thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm: (1) Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận. (2) Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận. (3) Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty. (4) Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty. (5) Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Hoạt động thương mại xuất phát từ quan hệ dân sự, tồn tại trong đời sống dân sự nhưng mang những đặc trưng riêng biệt. Điểm nhận biết cơ bản khi các bên tham gia vào quan hệ thương mại là yếu tố lợi nhuận. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, chưa thấy có văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn rõ ràng, chi tiết việc xác định lợi nhuận là tiền đề giải quyết tranh chấp. Nếu phân biệt quan hệ về kinh doanh và dân sự dựa trên yếu tố lợi nhuận mà không đưa ra tiêu chí cụ thể, khác biệt thì có sự bất cập về cách phân loại các tranh chấp. Thiếu tường minh kết hợp tiếp cận tranh chấp dựa trên lĩnh vực hoạt động (sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp) cũng dễ gây nhầm lẫn, dù cho tranh chấp mang bản chất thương mại nhưng nếu được giải quyết như một vụ án dân sự đơn thuần, bỏ qua sự điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật chuyên ngành như Luật Thương mại.

Ngoài ra, khẳng định một tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài trước hết cần xem xét đó phải là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài hay không, đồng nghĩa thỏa mãn các yếu tố về mặt chủ thể, khách thể và sự kiện pháp lý. Theo Khoản 2, Điều 663, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp: “Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài; Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài; Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài”.

Xác định quan hệ thương mại có yếu tố nước ngoài mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc xác định thẩm quyền của Tòa án và áp dụng pháp luật. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 tương đồng Bộ luật Dân sự năm 2015 về cơ sở cùng những dấu hiệu. Dù vậy, thay vì chỉ định “cá nhân, pháp nhân nước ngoài” thì Bộ luật Tố tụng dân sự đề cập đến “cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài”. Nhận diện cùng một đối tượng, một nội dung nhưng đứng trên nhiều góc độ lại có khác biệt, chênh lệch.

Liên quan đến yếu tố chủ thể, Điều 469, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong trường hợp bị đơn là cá nhân cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam. Điều khoản mang tính chất diễn giải, mô tả biểu hiện nhưng phức tạp trong thực tế. Nguyên do căn cứ xác định “làm ăn, sinh sống lâu dài” còn bị bỏ ngỏ, chưa định lượng thời gian hay có hướng dẫn thi hành.

Về mặt sự kiện pháp lý, nếu đối chiếu để khẳng định quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đòi hỏi phải đầy đủ quá trình, đáp ứng đồng thời 03 tiêu chí “xác lập, thay đổi, thực hiện” tại nước ngoài hay chỉ cần một trong các tiêu chí trên là thỏa mãn. Điều này đặt ra khó khăn cho các bên trong việc lựa chọn Tòa án cũng như cho chính Tòa án trong quá trình thụ lý đơn khởi kiện.

Thứ hai, vướng mắc trong xác định thẩm quyền Tòa án theo lựa chọn của các bên.

Bên cạnh thẩm quyền chung bao quát nhiều trường hợp, Bộ luật Tố tụng dân sự cũng ghi nhận thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam (chỉ Tòa án Việt Nam mới có thẩm quyền giải quyết, những bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài không được công nhận tại Việt Nam). Tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền riêng của Tòa án Việt Nam thường xảy ra khi vụ việc liên quan đến bất động sản tại Việt Nam hoặc các bên lựa chọn Tòa án Việt Nam để giải quyết theo pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. So với văn bản tiền nhiệm (Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011) thì đây là nội dung mới, phù hợp thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, cơ sở xác định tính hợp pháp trong thỏa thuận, cách thức lựa chọn Tòa án và điều kiện tiến hành thỏa thuận về mặt hình thức, nội dung, nguyên tắc tự nguyện vẫn chưa được làm rõ. Các bên biết mình có quyền nhưng hiện thực quyền lại gặp phải khó khăn do thiếu định hướng.

Thứ ba, xung đột thẩm quyền xét xử trong tư pháp quốc tế.

Pháp luật tố tụng tại các quốc gia quy định thẩm quyền xét xử của Tòa án, trong đó bao gồm tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Hiện tượng xung đột thẩm quyền xét xử xảy ra khi Tòa án ở các quốc gia đều tuyên bố quyền xét xử cho cùng một vụ việc, áp dụng pháp luật sở tại đối với tranh chấp. Kết quả dẫn đến hình thành những bản án không nhất quán, ảnh hưởng quyền và nghĩa vụ các bên.

Thứ tư, thiếu tương thích giữa Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tương trợ tư pháp.

Điều 35, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cho phép Tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, ngoại trừ những vụ việc mà đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thuộc thẩm quyền Tòa án cấp tỉnh.

Trong trường hợp Tòa án cấp huyện thụ lý giải quyết đúng thẩm quyền nhưng sau đó, đương sự là cá nhân thay đổi nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức chuyển địa điểm trụ sở, chi nhánh ra nước ngoài cần tống đạt hồ sơ tài liệu, thông báo hay thu thập chứng cứ. Lúc này sẽ căn cứ Điều 471, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để giải quyết: “Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài đã được một Tòa án Việt Nam thụ lý giải quyết theo quy định về thẩm quyền thì phải được Tòa án đó tiếp tục giải quyết mặc dù trong quá trình giải quyết có sự thay đổi quốc tịch, nơi cư trú, địa chỉ của các đương sự hoặc có tình tiết mới làm cho vụ việc dân sự đó thuộc thẩm quyền của Tòa án khác của Việt Nam hoặc của Tòa án nước ngoài”. Điều này đảm bảo tính đồng bộ, xuyên suốt vai trò theo dõi và nắm bắt tiến trình giải quyết vụ việc.

Tuy nhiên thực tế qui định trên lại đồng thời mâu thuẫn khi phát sinh nhu cầu ủy thác tư pháp. Bởi theo Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 quy định ủy thác tư pháp thuộc trách nhiệm Tòa án cấp tỉnh mà không thuộc quyền hạn Tòa án cấp huyện. Chuyển tiếp thủ tục qua trung gian không chỉ mất thêm thời gian xử lý mà ít nhiều cũng tăng tải lượng công việc với Tòa án cấp tỉnh.

Thứ năm, rào cản ủy thác tư pháp trong giải quyết tranh chấp.

Phổ biến trong các tranh chấp về thương mại thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức. Trên thực tế, để giải quyết các tranh chấp thương mại có đương sự ở nước ngoài thì việc ủy thác tư pháp gặp nhiều khó khăn xuất phát từ rào cản địa lý, thiếu thông tin hoặc đương sự che giấu thông tin. Nhiều đương sự ở nước ngoài có địa chỉ không rõ ràng hoặc cố tình gây nhầm lẫn địa chỉ; Mặt khác, vẫn còn nhiều quốc gia chưa ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam nên việc tống đạt các văn bản của Tòa án cho đương sự cần nhiều thời gian, nhiều lần, nhiều trường hợp không thực hiện được. Vụ việc kéo dài, tốn kém chi phí nhưng không mang lại kết quả.

Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài tại Tòa án

Giải quyết tranh chấp thông qua con đường tư pháp tại Tòa án là giải pháp cuối cùng khi mọi nỗ lực hòa giải, thương lượng không thành. Đặc biệt hơn, thẩm quyền của Tòa án trong tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài cần được củng cố đầy đủ chức năng, vai trò và địa vị của một cơ quan tài phán trong tiếp cận giải quyết vụ việc. Từ việc chỉ ra những hạn chế, bất cập trong thực tiễn khi vận dụng pháp luật về tố tụng dân sự nêu trên, chúng tôi có một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài tại Tòa án.

Cụ thể:

Một là, thống nhất quy định giữa Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự. Nếu tiếp cận theo quan điểm Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về “cơ quan, tổ chức nước ngoài”, đặt vào bối cảnh hoạt động thương mại có thể thiếu toàn diện. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài được xác định theo pháp luật ở nước mà pháp nhân có quốc tịch, không loại trừ trường hợp một số chủ thể kinh tế tham gia vào hoạt động thương mại dù thành lập theo pháp luật nước ngoài nhưng không có hoặc chưa có tư cách pháp nhân.

Về tư cách tham gia tố tụng, việc cơ quan, tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân có hay không quyền tự khởi kiện với vai trò nguyên đơn và bị kiện dưới vai trò bị đơn vẫn đang là vấn đề chưa thống nhất. Không có tư cách pháp nhân cũng đồng nghĩa không thể nhân danh chính mình tham gia vào các quan hệ mà trực tiếp thông qua cá nhân, chủ sở hữu. Ngoài ra, không độc lập tài sản, không tự chịu trách nhiệm bằng tài sản cũng gây khó khăn trong thi hành án.

Xu hướng khi cách tiếp cận chủ thể tham gia giao dịch dân sự không bao gồm tổ chức không có tư cách pháp nhân có lẽ sẽ dần thay thế cách tiếp cận chủ thể tham gia giao dịch dân sự bao gồm tổ chức không có tư cách pháp nhân [6]. Nhằm tạo dựng nền tảng, dự phòng giải quyết tranh chấp và đồng bộ cách nhìn nhận chi nhánh, văn phòng đại diện nước ngoài là đơn vị phụ thuộc theo ủy quyền khởi kiện, thiết nghĩ Bộ luật Tố tụng dân sự nên xác định chủ thể trong quan hệ tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài là “các pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp theo pháp luật nước ngoài”. Điều này góp phần “sàng lọc”, gia tăng hiệu quả giải quyết tranh chấp. Qua đó, giúp các bên nâng cao biện pháp tự bảo vệ, đánh giá rủi ro trước khi tham gia hoạt động thương mại, chủ động thẩm định năng lực đối tác.

Hai là, lưu ý cơ sở nhận diện tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài. Yếu tố lợi nhuận trong hoạt động thương mại cần được đánh giá thông qua thực tiễn, không phụ thuộc quy mô, cơ cấu doanh nghiệp hay loại hình kinh doanh. Biểu hiện dễ nhận thấy là tranh chất bắt nguồn từ giao kết giữa các thương nhân có chung mục đích tìm kiếm lợi nhuận, mục đích được hiện thực bằng hành vi và lợi ích thu lại có thể định lượng, trị giá được bằng tiền.

Ngoài ra, căn cứ xác định “làm ăn, sinh sống lâu dài” thuộc thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam nên điều chỉnh lại thành “bị đơn là người nước người cư trú tại Việt Nam”, đồng bộ Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014. Trong đó, “cư trú là việc người nước ngoài thường trú hoặc tạm trú” sẽ đáp ứng phù hợp, lược giản về kỹ thuật lập pháp nhưng vẫn bao quát trọn vẹn phạm vi điều chỉnh.

Bên cạnh đó, xác định sự kiện pháp lý ở nước ngoài cần có hướng dẫn cụ thể, tiêu chí “xác lập, thay đổi, chấm dứt tại nước ngoài” nên được lý giải nhằm mang lại cách hiểu đúng, chuẩn xác.

Ba là, hướng dẫn thực thi quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp của các bên. Quy định về lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài xem xét hoàn thiện theo hướng: Các bên chỉ được quyền lựa chọn một Tòa án để giải quyết tranh chấp nhằm tránh xung đột thẩm quyền xét xử.

Để thẩm định tính hợp pháp trong thỏa thuận lựa chọn Tòa án, thỏa thuận phải được lập thành văn bản, tồn tại dưới dạng điều khoản trong hợp đồng hoặc hình thành thỏa thuận độc lập. Nội dung thỏa thuận bao gồm điều kiện phát sinh hiệu lực, Tòa án được chỉ định, cam kết thực thi, thỏa thuận hình thành trên nguyên tắc tự nguyện, không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng bức, các bên hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ, hệ quả pháp lý phát sinh từ thỏa thuận.

Bốn là, mở rộng quyền ủy thác tư pháp, đảm bảo tương thích giữa Bộ luật Tố tụng dân sự với Luật Tương trợ tư pháp, kết hợp tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp. Mở rộng, đàm phán và ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với các quốc gia về lâu dài là giải pháp giảm thiểu xung đột thẩm quyền xét xử, biểu hiện cho quá trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực tố tụng. Song song đó, gia tăng mối liên hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp trở thành nền tảng cơ bản, bước đệm giúp giải quyết tranh chấp đạt được nhiều kết quả rõ ràng.

Ngoài ra, sửa đổi Luật Tương trợ tư pháp theo hướng mở rộng quyền ủy thác tư pháp đối với Tòa án cấp huyện khi đương sự thay đổi nơi cư trú, trụ sở là thiết thực, xuyên suốt quan điểm không thay đổi thẩm quyền giải quyết của Tòa án, đồng thời góp phần tiết giảm thời gian, thủ tục, phù hợp nhu cầu hoạt động xét xử.

Thẩm quyền của Tòa án có ý nghĩa quan trọng đến toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài. Nghiên cứu hoàn thiện pháp luật, bổ khuyết quy định, làm sáng rõ những vấn đề vướng mắc cũng như tháo gỡ rào cản sẽ góp phần tích cực làm gia tăng niềm tin vào thiết chế, bảo vệ toàn diện quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong quan hệ tranh chấp một cách chuẩn xác, công bằng, khách quan.

Nguồn: Tạp chí Pháp lý


Xem thêm:

Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước bằng hòa giải: Minh bạch hay bảo mật?

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế giữa nhà đầu tư nước ngoài và quốc gia tiếp nhận đầu tư


Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com
Tiktok: tiktok.com/@lscchannel

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *