Lượt xem: 9
Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm quy định tại Điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là một nguyên tắc mới, đặt cơ sở pháp lý quan trọng cho việc chuyển hướng tích cực của tố tụng hình sự. Bài viết dưới đây, các tác giả phân tích thủ tục tranh tụng tại phiên tòa hình sự Việt Nam, đồng thời so sánh với phiên tòa hình sự Hoa Kỳ, nơi mà mô hình tố tụng mang nhiều đặc điểm của tố tụng tranh tụng, nhằm mục đích tìm ra quy trình tranh tụng phù hợp, góp phần nâng cao tính tranh tụng tại phiên tòa hình sự Việt Nam.
Thủ tục tranh tụng tại phiên tòa hình sự: nghiên cứu so sánh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ
Ths. Võ Minh Kỳ – Viện kiểm sát nhân dân quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Ngô Hải Sơn – Kiểm tra viên, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ
1. Tranh tụng tại phiên tòa hình sự Việt Nam: sự tách bạch giữa xét hỏi và tranh luận
Thủ tục tranh tụng tại phiên tòa hình sự Việt Nam được quy định tại chương XXI, Mục V, từ Điều 306 đến Điều 325 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS 2015). Nhằm cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm, BLTTHS 2015 đã nhập thủ tục xét hỏi với thủ tục tranh luận thành thủ tục tranh tụng tại phiên tòa để bảo đảm việc tranh tụng không chỉ thể hiện ở phần tranh luận mà còn được thể hiện ở phần xét hỏi. Theo quy định tại Mục V, thủ tục tranh tụng được phân tách thành nhiều giai đoạn nhỏ hơn. Tuy nhiên, thực chất thủ tục tranh tụng chỉ bao gồm hai giai đoạn chủ yếu là xét hỏi và tranh luận.
Sau khi Kiểm sát viên công bố Cáo trạng, phiên tòa sẽ tiến hành thủ tục xét hỏi. Tại thủ tục này, chủ tọa phiên tòa sẽ là người hỏi trước và điều hành việc hỏi, quyết định thứ tự để Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thực hiện việc hỏi. Người tham gia tố tụng cũng có quyền đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ.
Mục đích của việc xét hỏi là để đánh giá tính hợp pháp, tính khách quan và tính liên quan của các lời khai, tài liệu, chứng cứ; qua đó làm rõ các tình tiết, xác định được sự thật khách quan của vụ án, làm căn cứ để Hội đồng xét xử ra phán quyết đúng đắn. Đây là yêu cầu mang tính bắt buộc, đồng thời là cơ hội để các chứng cứ được kiểm tra, đánh giá công khai tại phiên tòa. Trong quá trình xét hỏi, chủ tọa phiên tòa phải quyết định hỏi riêng từng bị cáo. Nếu lời khai của bị cáo này có thể ảnh hưởng đến lời khai của bị cáo khác thì chủ tọa phiên tòa phải cách ly họ. Bị cáo bị cách ly được thông báo lại nội dung lời khai của bị cáo trước và có quyền đặt câu hỏi đối với bị cáo đó. Để làm rõ các chứng cứ, tài liệu liên quan hoặc những cáo buộc đối với người tiến hành tố tụng, Hội đồng xét xử có thể tiến hành cho nghe, xem nội dung được ghi âm, ghi hình có âm thanh; đến xem xét nơi đã xảy ra tội phạm, thực hiện xem xét tại chỗ những vật chứng không thể đưa đến phiên tòa hoặc công bố báo cáo, tài liệu của cơ quan, tổ chức có liên quan.
Đặc điểm quan trọng trong xét hỏi đó là chỉ chú trọng vào hỏi và đáp nhằm thu thập thông tin về vụ án, kiểm tra lại các chứng cứ đã có trong hồ sơ. Người bị hỏi không có quyền tranh luận, đối đáp lại với người hỏi về tính hợp pháp và tính hợp lý của câu hỏi mà chỉ có thể trả lời. Tất nhiên, với sự cho phép của quyền im lặng, bị cáo có quyền từ chối việc trả lời toàn bộ hoặc một số câu hỏi nhất định. Đồng thời, trừ Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là người điều hành, pháp luật tố tụng về thủ tục xét hỏi cũng không quy định cho phép những người tiến hành tố tụng khác được can thiệp vào quá trình hỏi của từng chủ thể. Như vậy, có thể khẳng định, xét hỏi tại phiên tòa hình sự là quá trình lấy thông tin một chiều mà rất khó có thể can thiệp bởi các chủ thể khác. Mặt khác, trong quá trình xét hỏi có thể kết hợp với việc công bố lời khai, báo cáo, tài liệu, xem xét chứng cứ, xem nghe nội dung ghi âm, ghi hình. Các hoạt động này được thực hiện theo hướng công khai nội dung chứ cũng không cho phép diễn ra sự tranh luận về tính hợp pháp, khách quan, liên quan của các nội dung này.
Một số phiên tòa thực tiễn cho thấy, đôi khi Kiểm sát viên và người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng có ý kiến can thiệp vào quá trình xét hỏi của nhau hoặc của Hội đồng xét xử. Một số bị cáo, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác cũng có ý kiến mang tính chất đối đáp, tranh luận với người hỏi về các câu hỏi được đặt ra. Việc cho phép các hiện tượng trên xảy ra trên thực tiễn tùy thuộc vào mức độ linh động và quan điểm của từng cá nhân chủ tọa phiên tòa.
Kết thúc thủ tục xét hỏi, phiên tòa sẽ chuyển sang thủ tục tranh luận. Thủ tục tranh luận sẽ được bắt đầu với luận tội của Kiểm sát viên, đây có thể xem là ý kiến buộc tội lần thứ hai của Kiểm sát viên đối với bị cáo và quan điểm của Kiểm sát viên đối với việc giải quyết toàn bộ vụ án sau khi trải qua quá trình kiểm tra, đánh giá chứng cứ vụ án trong thủ tục xét hỏi. Nếu Cáo trạng là lời buộc tội lần đầu dựa trên chứng cứ được thu thập trong quá trình điều tra, truy tố, thì luận tội là lời buộc tội lần thứ hai dựa trên chứng cứ được thu thập trong giai đoạn điều tra, truy tố và cả chứng cứ đã được thẩm tra trong quá trình xét hỏi. Sau luận tội, lần lượt bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác sẽ trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận của mình đối với quan điểm luận tội của Kiểm sát viên. Hiện nay, pháp luật chưa quy định về tên gọi của văn bản được luật sư dùng để bảo vệ bị cáo tại phiên tòa, nhưng trong giới luật sư thường sử dụng cụm từ “bài phát biểu bào chữa, bảo vệ” để đưa những quan điểm giải quyết vụ án, trong đó thể hiện sự đồng thuận hoặc không đồng thuận một phần hoặc toàn bộ ý kiến luận tội của Kiểm sát viên. Nếu có sự khác biệt về quan điểm giải quyết vụ án, Kiểm sát viên và người bào chữa sẽ luân phiên nêu lên quan điểm để tranh luận, đối đáp lại đến cùng các ý kiến khác biệt này. Những người tham gia tranh luận cũng có quyền đối đáp lại ý kiến khác biệt quan điểm của người khác liên quan đến quyền lợi của mình tại phiên tòa.
Hoạt động tranh luận này sẽ do chủ tọa phiên tòa điều khiển, nhưng chủ tọa phiên tòa và các thành viên khác của Hội đồng xét xử sẽ không tham gia vào như ở hoạt động xét hỏi. Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận, phải tạo điều kiện cho họ trình bày hết ý kiến nhưng có quyền cắt những ý kiến không liên quan đến vụ án hoặc ý kiến lặp lại. Như vậy, phạm vi của tranh luận là không hạn chế, có thể tranh luận đến mọi vấn đề của vụ án, bao gồm vấn đề chứng cứ, tội danh, khung hình phạt, bồi thường dân sự, vật chứng của vụ án…
Như vậy, tại phiên tòa hình sự Việt Nam, hoạt động tranh luận gần như được tách biệt khỏi hoạt động xét hỏi. Việc tranh luận về các chứng cứ được thẩm tra trong giai đoạn xét hỏi sẽ không được thực hiện đồng thời mà sẽ được thực hiện sau khi hoạt động xét hỏi kết thúc.
2. Tranh tụng tại phiên tòa hình sự Hoa Kỳ: sự trộn lẫn, đan xen giữa xét hỏi và tranh luận
Tại Hoa Kỳ, quá trình tranh tụng tại phiên tòa hình sự, mà chủ yếu là giữa phía công tố buộc tội và phía luật sư bào chữa sẽ tiến hành lần lượt thông qua ba bước là phát biểu mở đầu (opening statements), xét hỏi (witness examination) và phát biểu ý kiến kết thúc (closing arguments).
Tại giai đoạn phát biểu mở đầu, lần lượt Công tố viên và người bào chữa sẽ giới thiệu ngắn gọn về các sự kiện khách quan của vụ án, về những chứng cứ mà từng bên sẽ đưa ra tại phiên tòa để chứng minh cho lập luận của mình. Mục đích của thủ tục này là nhằm giúp cho các bồi thẩm viên có được hiểu biết cơ bản về vụ án và chứng cứ mà họ đang xét xử. Thông thường, phát biểu mở đầu chỉ mang tính chất giới thiệu, tường thuật mà không mang tính tranh luận. Bởi lẽ, trách nhiệm chứng minh (burden of proof) thuộc về phía công tố nên Công tố viên sẽ thực hiện phát biểu trước, sau đó sẽ đến lượt người bào chữa.
Tiếp đến giai đoạn xét hỏi (witness examination), vẫn thứ tự như giai đoạn trước là Công tố viên sẽ tiến hành xét hỏi trước, sau đó đến lượt người bào chữa. Tại đây, thủ tục xét hỏi được lần lượt phân biệt là xét hỏi/thẩm vấn thẳng (direct examination) và xét hỏi/thẩm vấn chéo (cross examination). Xét hỏi/thẩm vấn chéo được sử dụng như một công cụ nhằm kiểm tra tính xác thực, phát hiện và loại bỏ những lời khai không chính xác của người làm chứng, được xem như là “một phương tiện tốt nhất từng được tạo ra cho mục đích khám phá sự thật”.
Có thể hình dung, tại một phiên tòa, hai phía buộc tội và gỡ tội đều có những người làm chứng nhằm củng cố cho lập luận của phe mình. Trong trường hợp bên công tố gọi người làm chứng buộc tội lên bục người làm chứng, thì Công tố viên sẽ thực hiện xét hỏi/thẩm vấn thẳng nhằm hỏi người làm chứng về những thông tin mang tính chất buộc tội bị cáo. Sau khi kết thúc phiên thẩm vấn trực tiếp của công tố đối với người làm chứng đó, phía bào chữa sẽ có quyền thực hiện xét hỏi/thẩm vấn chéo nhằm kiểm tra lại tính xác thực của những thông tin đã được tiết lộ trong phiên thẩm vấn trực tiếp vừa qua. Sau khi kết thúc việc xét hỏi một người làm chứng thì người làm chứng tiếp theo sẽ được gọi lên với thủ tục tương tự cho đến khi phía buộc tội đã gọi hết những người làm chứng nhằm bảo vệ luận điểm của mình. Đến lượt người bào chữa gọi người làm chứng gỡ tội lên bục làm người làm chứng, thủ tục thẩm vấn cũng diễn ra tương tự lần lượt đối với từng người làm chứng gỡ tội. Thông thường, giới hạn của cuộc thẩm vấn chéo là những thông tin mà người làm chứng tiết lộ trong phiên thẩm vấn trực tiếp. Sau thẩm vấn chéo, tùy từng trường hợp có thể từng bên sẽ yêu cầu tái thẩm vấn thẳng (re-direct examination) và/hoặc tái thẩm vấn chéo (re-cross examination) để làm rõ thêm các vấn đề.
Trong quá trình xét hỏi/thẩm vấn thẳng hoặc chéo, các bên đều có quyền đưa ra phản đối (objection) trong đặt câu hỏi của bên còn lại. Việc phản đối này có thể dựa trên nhiều lý do như câu hỏi không liên quan vụ án, câu hỏi mang tính chất gây nhầm lẫn, câu hỏi mang tính chất dẫn dụ, hoặc câu hỏi đã vi phạm các quy định của luật về chứng cứ… Bên bị phản đối có thể đưa ra lập luận để trả lời lại lý do bên phản đối đưa ra. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa sau khi nghe hai bên, sẽ quyết định phản đối có hiệu lực hay sẽ bác bỏ phản đối đó để phía đang xét hỏi tiếp tục tiến hành xét hỏi.
Kết thúc xét hỏi, phiên tòa sẽ bước vào phần phát biểu ý kiến kết thúc, được xem là phần quan trọng nhất của toàn bộ phiên tòa. Phần phát biểu ý kiến kết thúc này là một phát biểu toàn bộ quan điểm của từng bên về việc giải quyết vụ án, nêu lên toàn bộ chứng cứ, quy định pháp luật và các lập luận để bảo vệ cho quan điểm của mình và thuyết phục bồi thẩm đoàn về việc bị cáo có tội và vô tội. Thông thường, phía Công tố viên sẽ phát biểu trước, sau đó đến lượt phía bào chữa. Sau khi phía bào chữa phát biểu xong, phía công tố sẽ có một lần phát biểu kết (concluding argument hoặc rebuttal) để phản bác, trả lời các quan điểm của bên buộc tội. Lý do mà phía công tố được phát biểu lần hai là bởi nghĩa vụ chứng minh (burden of proof) vụ án được đặt lên phía buộc tội, do đó họ phải được một cơ hội cuối cùng để thuyết phục bồi thẩm đoàn chấp thuận lý lẽ và quan điểm buộc tội của họ. Tóm lại, thứ tự của phần tranh luận này sẽ là (1) phát biểu quan điểm của Công tố viên, (2) phát biểu quan điểm của phía bào chữa, và (3) phát biểu đối đáp kết thúc của Công tố viên. Sau khi Công tố viên phát biểu kết, phần tranh tụng sẽ kết thúc và bồi thẩm đoàn sẽ tiến hành họp để xem xét cho ra phán quyết.
Như vậy, trong thủ tục tranh tụng tại phiên tòa hình sự Hoa Kỳ, phần tranh luận không chỉ được thể hiện riêng ở phần phát biểu ý kiến kết thúc mà còn được lồng ghép, đan xen trong quá trình xét hỏi khi các bên được quyền phản đối và đưa ra lập luận để can thiệp vào quá trình xét hỏi của nhau.
3. So sánh
Qua nghiên cứu quy trình tranh tụng tại phiên tòa hình sự Việt Nam và Hoa Kỳ, có thể nhận thấy một số yếu tố tương đồng của cả hai hệ thống, đó là sự hiện diện của cả hai thủ tục xét hỏi và tranh luận trong tranh tụng. Ngoài ra, hai bên trong tố tụng, buộc tội và gỡ tội, đều được lần lượt tham gia một cách bình đẳng vào hai thủ tục xét hỏi và tranh luận. Tuy nhiên, tính tranh tụng giữa hai hệ thống có nhiều điểm khác biệt và những khác biệt này có những thuận lợi và bất lợi riêng.
Thứ nhất, về quy trình xét hỏi, việc xét hỏi tại Việt Nam được thực hiện theo thứ tự người hỏi, có nghĩa là một người xét hỏi (như Kiểm sát viên, người bào chữa…) sẽ hỏi hết một lượt những người bị hỏi (bị cáo, bị hại, người làm chứng…) rồi sẽ đến lượt người tiếp theo thực hiện xét hỏi tương tự; thậm chí, không cần thiết phải hỏi hết người này xong mới được hỏi người khác mà có thể hỏi phối hợp, một câu hỏi cho người này và một câu hỏi cho người khác. Ngược lại, tại Hoa Kỳ, việc xét hỏi được thực hiện thứ tự người bị hỏi, nghĩa là từng người ở bục nhân chứng sẽ bị cả hai bên buộc tội và gỡ tội hỏi, sau khi người bị hỏi này kết thúc việc bị xét hỏi thì sẽ đến người bị hỏi khác bước lên bục nhân chứng.
Như vậy, việc xét hỏi tại Việt Nam cho phép người xét hỏi kiểm tra chứng cứ và xây dựng được hoàn cảnh vụ án theo tổng thể tốt hơn do có sự liền mạch về nội dung xét hỏi và trả lời giữa những người bị hỏi. Ví dụ như nếu muốn chứng minh về hành vi trộm cắp của bị cáo thì ngay khi đang hỏi bị cáo, Kiểm sát viên có thể quay sang hỏi bị hại và người làm chứng về những vấn đề liên quan rồi tiếp tục quay lại hỏi bị cáo mà không bị trì hoãn hay cắt ngang, dễ tạo nên một câu chuyện liền mạch về mặt tổng thể và tăng tính thuyết phục đối với Hội đồng xét xử. Ngược lại, việc xét hỏi tại Hoa Kỳ cho phép người xét hỏi đào sâu vào từng chi tiết tốt hơn, do từng người bị hỏi sẽ lần lượt bị hai phía buộc tội và gỡ tội xét hỏi, kiểm tra riêng biệt. Cùng ví dụ trên, tại Hoa Kỳ, sau khi Công tố viên hỏi bị cáo ở bục nhân chứng về hành vi trộm cắp thì Công tố viên không thể ngay tức khắc hỏi bị hại và những người làm chứng khác về những vấn đề liên quan để tạo nên tính liền mạch của câu chuyện. Mà ngay sau khi Công tố viên hỏi bị cáo về hành vi trộm cắp, luật sư bào chữa sẽ thay thế Công tố viên tiến hành thẩm vấn chéo đối với bị cáo ở bục nhân chứng nhằm kiểm tra lại và có thể là bác bỏ những thông tin mà bị cáo vừa trả lời Công tố viên. Do đó, lời khai của bị cáo tại phiên tòa sẽ bị thẩm tra một cách riêng biệt, kỹ lưỡng, không có sự liên hệ với các lời khai của những người khác bởi Công tố viên và luật sư bào chữa.
Thứ hai, về khả năng can thiệp, phản đối việc xét hỏi lẫn nhau, tại Việt Nam, pháp luật về tố tụng hình sự không quy định cho phép sự can thiệp lẫn nhau vào quá trình xét hỏi của từng chủ thể. Có nghĩa là, khi Kiểm sát viên đang tiến hành xét hỏi thì người bào chữa không có quyền can thiệp vào quá trình xét hỏi này và ngược lại; chỉ duy nhất Thẩm phán chủ tọa điều khiển việc xét hỏi có quyền can thiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, một số Kiểm sát viên hoặc người bào chữa vẫn lên tiếng phản đối, can thiệp vào việc xét hỏi lẫn nhau hoặc của các chủ thể khác; việc cho phép hiện tượng này xảy ra đến mức độ nào tùy theo quan điểm của từng Thẩm phán chủ tọa. Ngược lại, tại Hoa Kỳ, việc xét hỏi của Công tố viên hoặc luật sư bào chữa thường xuyên nhận phải sự phản đối từ phía còn lại với các lý lẽ khác nhau nhằm ngăn chặn việc đối phương đặt câu hỏi gây bất lợi cho quan điểm của họ, hỏi các vấn đề không liên quan nhưng có thể gây nên thiên kiến đối với Bồi thẩm đoàn, hoặc chỉ đơn giản là chiến thuật ngắt nhịp độ hỏi của đối phương, tạm ngưng sự dồn ép để cho người bị hỏi có thời gian trấn tĩnh lại tinh thần, suy nghĩ thấu đáo hơn về câu trả lời.
Như vậy, tại Việt Nam, xét hỏi chỉ là xét hỏi, chỉ có sự tương tác giữa người hỏi và người được hỏi chứ không có sự tương tác giữa những người hỏi với nhau. Tại Hoa Kỳ, xét hỏi còn bao gồm cả tranh luận khi các bên có thể phản đối việc đặt câu hỏi của nhau, đưa ra lý lẽ để bảo vệ việc phản đối và cả của việc đặt câu hỏi. Do đó, tính tranh tụng trong phần xét hỏi tại phiên tòa Hoa Kỳ cao hơn tại Việt Nam.
Thứ ba, về thủ tục tranh luận, phiên tòa hình sự tại Việt Nam có riêng một thủ tục tranh luận mà không bị trộn lẫn với các thủ tục khác. Phần tranh luận này không giới hạn thời gian, sau khi Kiểm sát viên công bố luận tội thì người bào chữa và bị cáo có quyền tranh luận lại mọi vấn đề trong vụ án được đề cập đến trong luận tội và Kiểm sát viên buộc phải đối đáp tất cả các vấn đề đó mà không được từ chối tranh luận. Nếu Kiểm sát viên từ chối tranh luận lại thì Thẩm phán chủ tọa phải yêu cầu Kiểm sát viên đối đáp. Ngược lại, tại Hoa Kỳ, sau khi Công tố viên phát biểu ý kiến kết thúc (tương đương với luận tội) và người bào chữa phát biểu ý kiến bào chữa, việc Công tố viên tiến hành đối đáp lại bằng một bài phát biểu kết là tùy nghi chứ không bắt buộc. Đối với các Công tố viên, đây được xem là một lần cơ hội cuối để họ thuyết phục Bồi thẩm đoàn về quan điểm của họ nên họ thường nắm bắt lấy để phát biểu và đáp trả quan điểm của người bào chữa. Tất nhiên, họ vẫn có quyền từ bỏ cơ hội này, thậm chí họ cũng có thể từ bỏ việc phát biểu quan điểm ngay từ lượt đầu.
Như vậy, đối đáp tranh luận lại quan điểm của người bào chữa và những người tham gia phiên tòa khác là nghĩa vụ của Kiểm sát viên tại Việt Nam, một số Kiểm sát viên có xu hướng ngại ngần, né tránh hoặc chỉ tranh luận đối đáp lại một cách chung chung, không nêu ra quan điểm lý lẽ sắc bén, thuyết phục. Ngược lại, các Công tố viên tại Hoa Kỳ xem việc được phát biểu đối đáp, tranh luận lại với quan điểm phía bào chữa là một quyền lợi, là một lợi thế của họ so với bên bào chữa, là một cơ hội cuối để họ thuyết phục bồi thẩm đoàn về quan điểm buộc tội của mình; do đó, các Công tố viên tại Hoa Kỳ luôn cố gắng sử dụng các lập luận, quan điểm cụ thể, sắc bén để trình bày tại phiên tòa.
Lý giải cho điều này, trước khi tiến hành phiên tòa thì các thành viên Hội đồng xét xử đã được Viện kiểm sát chuyển hồ sơ vụ án để nghiên cứu trước, trường hợp hồ sơ thể hiện chưa đầy đủ các chứng cứ để buộc tội hoặc cần làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo và các đồng phạm thì hồ sơ sẽ được trả lại cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung; do đó, Hội đồng xét xử luôn nắm vững hồ sơ trước khi phiên tòa diễn ra, nên họ có thể nghiên cứu hồ sơ để xác định sơ bộ về việc bị cáo có tội hay không. Việc nghiên cứu trước hồ sơ vụ án, dù ít hay nhiều, cũng sẽ tác động đến thiên kiến của Hội đồng xét xử. Do đó, việc Kiểm sát viên phải tranh luận, đối đáp đôi khi không quá cần thiết đối với cá nhân Kiểm sát viên trong việc thuyết phục Hội đồng xét xử ra phán quyết có tội, bởi hồ sơ vụ án đã thể hiện đầy đủ chứng cứ. Ngược lại, tại Hoa Kỳ, Bồi thẩm đoàn hoàn toàn không biết gì về vụ án cho đến khi họ đến phiên tòa và nghe Công tố viên và người bào chữa trình bày các chứng cứ cũng như sự kiện của vụ án. Do đó, bên nào có nhiều cơ hội phát biểu hơn, cũng đồng nghĩa với bên đó có nhiều cơ hội thuyết phục Bồi thẩm đoàn theo quan điểm của mình hơn. Đây cũng được xem là một phần lợi thế mà Công tố viên được hưởng để đổi lại việc toàn bộ hệ thống tố tụng hình sự được thiết kế có lợi cho phía bị cáo với các quy tắc nghiêm ngặt trong tố tụng hình sự Hoa Kỳ như các luật về loại trừ chứng cứ, nghĩa vụ chứng minh thuộc về phía buộc tội hoặc ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh cao “vượt qua nghi ngờ hợp lý”.
Cuối cùng, về thời gian tranh luận, tại Việt Nam chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận, Kiểm sát viên phải sử dụng chứng cứ, tài liệu, quy định của pháp luật để đưa ra lập luận đối đáp đến cùng từng ý kiến của bị cáo và người bào chữa. Việc đối đáp có thể diễn ra qua lại, sau khi Kiểm sát viên đối đáp thì bị cáo và người bào chữa có quyền đưa ra ý kiến khác phản biện, và Kiểm sát viên lại tiếp tục đối đáp cho đến khi hết ý kiến tranh luận. Như vậy, người bào chữa tại Việt Nam có thể tách các quan điểm phản đối buộc tội ra thành các phần khác nhau để tranh luận, sau đó lại tiếp tục phản biện lại đối đáp của Kiểm sát viên. Ngược lại, tại Hoa Kỳ, việc tranh tụng diễn ra ngắn gọn và đơn giản hơn, Công tố viên phát biểu ý kiến (tương tự luận tội), người bào chữa phát biểu bài bào chữa và Công tố viên sẽ phát biểu kết để trả lời các vấn đề mà người bào chữa nêu ra. Do đó, quan điểm bào chữa phải được thể hiện thống nhất toàn vẹn, bởi họ chỉ có duy nhất một cơ hội phát biểu bào chữa, phản đối buộc tội.
Có thể thấy, tranh luận tại Việt Nam yêu cầu việc đối đáp qua lại không hạn chế thời gian và Kiểm sát viên buộc phải trả lời hết các quan điểm phản đối, khác biệt có liên quan vụ án. Tuy nhiên, điều này cũng khiến phiên tòa kéo dài không cần thiết, nhiều vấn đề luật đã quy định, hoặc đã có công văn hướng dẫn, hoặc chứng cứ đã thể hiện rõ nhưng người bào chữa vẫn đưa ra ý kiến phản đối để buộc Kiểm sát viên phải trả lời, đối đáp. Đồng thời, các bên có thể thay đổi luận điểm tranh luận, sửa chữa, bổ sung các luận điểm đã phát biểu khi cần thiết. Do đó, chất lượng các lập luận, luận điểm trong tranh luận thường không cao, có nhiều sai sót trong việc áp dụng pháp luật hoặc đánh giá chứng cứ do người phát biểu có nhiều cơ hội để khắc phục sai lầm. Ngược lại, tại Hoa Kỳ, việc đối đáp chỉ diễn ra trong một lượt nên có thể tránh việc kéo dài phiên tòa không cần thiết, các bên khi phát biểu phải cân nhắc kỹ về chứng cứ, quy định của pháp luật để đưa ra lập luận bảo vệ quan điểm của phe mình do họ không có nhiều cơ hội để sửa chữa sai lầm; đặc biệt trong bối cảnh phải thuyết phục Bồi thẩm đoàn, là những thường dân hoàn toàn không biết gì về vụ án trước phiên tòa. Do đó, các quan điểm tranh luận thường có xu hướng cô đọng, súc tích và chính xác hơn.
Ngoài những khác biệt trên, còn có những điểm khác biệt khác như tại Việt Nam, Thẩm phán chuyên nghiệp và Thẩm phán không chuyên (Hội thẩm nhân dân) đều có thể tham gia xét hỏi và tương đối tích cực trong việc xét hỏi; ngược lại, tại Hoa Kỳ, Thẩm phán chuyên nghiệp và Thẩm phán không chuyên (Bồi thẩm viên) hoàn toàn không tham gia xét hỏi. Hoặc tại Việt Nam, từng người tham gia phiên tòa sẽ có tư cách tố tụng khác nhau như bị cáo, bị hại, người làm chứng và tư cách tố tụng đó sẽ theo họ suốt quá trình diễn ra phiên tòa. Tại Hoa Kỳ, dù có bất cứ tư cách tố tụng nào thì khi bị xét hỏi tại tòa, những người này đều phải đứng lên bục làm chứng (witness stand) và tuyên thệ (take an oath) cho lời khai; có nghĩa là, trong vụ án, một cá nhân có thể là bị cáo, bị hại hoặc người làm chứng, nhưng khi đã cho lời khai tại tòa ở bục người làm chứng thì các lời khai đó đều được xem là lời khai của người làm chứng.
Tóm lại, có thể thấy thủ tục tranh tụng tại phiên tòa hình sự của Việt Nam và Hoa Kỳ đều tồn tại cả hai thủ tục là xét hỏi và tranh luận. Với thủ tục xét hỏi, nếu tại Việt Nam, thủ tục xét hỏi được tách biệt ra khỏi thủ tục tranh luận, việc xét hỏi chỉ đơn thuần là xét hỏi thu thập thông tin; thì tại Hoa Kỳ, hai thủ tục này vừa tách riêng, vừa hòa lẫn vào nhau với việc các bên có thể can thiệp vào việc xét hỏi của nhau với các lập luận phản đối, bác bỏ; do đó, thủ tục xét hỏi tại Hoa Kỳ có tính tranh tụng cao hơn tại Việt Nam. Mặt khác, trong thủ tục tranh luận, việc không giới hạn thời gian, số lần phát biểu tranh luận thoạt nhìn có thể thấy rằng phiên tòa Việt Nam có tính tranh tụng cao hơn so với phiên tòa hình sự Hoa Kỳ với việc giới hạn số lần phát biểu. Tuy nhiên, chính vì sự không hạn chế về thời gian dẫn đến chất lượng của các lập luận, luận điểm tranh luận không cao, có nhiều sai lầm do có thể dễ dàng khắc phục. Ngược lại, sự giới hạn về số lần phát biểu lại có thể khiến cho các lập luận trở nên sắc bén và chính xác hơn.
4. Kiến nghị
Điều 26 BLTTHS 2015 quy định về nguyên tắc tranh tụng nêu rõ “Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa”. Như vậy, tính chất tranh tụng được thể hiện ở sự bình đẳng của các chủ thể, mà chủ yếu là bên buộc tội và bên gỡ tội, trong việc đưa ra chứng cứ, tự do trình bày và tranh luận tại phiên tòa, kiểm tra và đánh giá chứng cứ để bảo vệ lợi ích, bảo vệ quan điểm của từng bên nhằm tìm ra sự thật vụ án theo châm ngôn “chân lý chỉ tìm thấy trong tranh luận”. Tranh luận là một phần không thể thiếu của tranh tụng, bản chất của hoạt động tranh tụng là sự tranh luận qua lại giữa hai bên buộc tội và bào chữa, nâng cao tính tranh luận cũng có nghĩa là nâng cao tính tranh tụng tại phiên tòa.
Tuy nhiên, chương XXI, Mục V, từ Điều 306 đến Điều 325 BLTTHS 2015 lại quy định thủ tục tranh tụng thành 02 thủ tục riêng là xét hỏi và tranh luận, trong đó thủ tục xét hỏi chỉ là quy định theo hướng hỏi và đáp mà không có sự đối đáp, tranh luận giữa các bên tham gia phiên tòa là chưa thể hiện được tinh thần tranh tụng của Chương này và của Điều 26 BLTTHS. Do đó, các tác giả cho rằng cần tham khảo quy định về phản đối, bác bỏ việc xét hỏi lẫn nhau như tại phiên tòa của Hoa Kỳ để tăng cường tính tranh tụng giữa các bên ngay từ giai đoạn xét hỏi, chứ không chỉ chờ đến giai đoạn tranh luận, đúng với tinh thần của tranh tụng trong xét hỏi. Cụ thể, nên quy định cụ thể trong BLTTHS theo hướng trong quá trình xét hỏi của bất kỳ chủ thể nào, những người tham gia tố tụng khác như Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, người liên quan, có quyền phản đối việc đặt câu hỏi và phải đưa ra lý do. Người bị phản đối việc xét hỏi có quyền đưa ra ý kiến phản biện. Việc chấp nhận hay bác bỏ việc phản đối câu hỏi sẽ do Hội đồng xét xử quyết định sau khi nghe trình bày của cả hai bên.
Việc bổ sung quy định về việc phản đối, bác bỏ việc xét hỏi của những người tham gia phiên tòa, một mặt giúp tăng cường tính tranh tụng của phiên tòa, mặt khác còn hạn chế được tình trạng người xét hỏi dùng các chiến thuật xét hỏi không phù hợp như đặt câu hỏi mang tính đe dọa, xúc phạm hoặc mang tính chất dẫn dụ người bị hỏi, dẫn đến lời khai không đúng sự thật. Tất nhiên, Thẩm phán chủ tọa điều hành việc hỏi vẫn có thể ngăn chặn, cắt việc xét hỏi không phù hợp, nhưng với vị trí là trọng tài thì các thẩm phán sẽ không quá nhạy cảm, kiên quyết bảo vệ quan điểm và lợi ích như các bên tại phiên tòa. Với quyền phản đối việc xét hỏi, các bên tham gia phiên tòa sẽ hỗ trợ Thẩm phán chủ tọa trong việc điều khiển phiên tòa một cách hợp lý và chính xác hơn với các lập luận phản đối cũng như bảo vệ việc xét hỏi.
Đối với thủ tục tranh luận, theo các tác giả, nên giữ nguyên như hiện nay mà không cần học tập theo Hoa Kỳ. Bởi lẽ, như đã phân tích, phát biểu tranh luận là nghĩa vụ của Kiểm sát viên Việt Nam nhưng lại là quyền lợi của Công tố viên Hoa Kỳ. Nếu giới hạn số lần phát biểu đối đáp, dễ dẫn đến tình trạng né tránh việc tranh luận của Kiểm sát viên. Mặt khác, việc không giới hạn số lần tranh luận tuy có thể dẫn đến sự sụt giảm chất lượng lập luận, luận điểm nhưng lại khiến các vấn đề được đi tới tận cùng, giúp Hội đồng xét xử hiểu rõ thêm về vụ án.
Như vậy, việc bổ sung quy định về phản đối, bác bỏ việc xét hỏi lẫn nhau trong thủ tục xét hỏi sẽ giúp tăng cường tính tranh tụng trong xét hỏi, các bên sẽ có cơ hội trực tiếp tranh luận với nhau trong quá trình xét hỏi. Từ đó, nâng cao tính tranh tụng trong phiên tòa nói chung, để “không còn tình trạng viết sẵn bản án, tăng cường tranh tụng là xu hướng và là đột phá để nâng cao chất lượng xét xử”.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.
Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com
Tiktok: tiktok.com/@lscchannel