Quảng cáo thực phẩm ngày nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, không ít trường hợp quảng cáo thực phẩm không chỉ tập trung vào việc giới thiệu sản phẩm mà còn đưa ra những thông điệp gây nguy hại đến sức khỏe của con người. Điều này đặt ra nhiều băn khoăn và lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực mà quảng cáo thực phẩm có thể mang lại cho cộng đồng. Bài viết dưới đây của ThS. Trần Linh Huân và ThS Đỗ Thị Lan Anh đưa ra quan điểm về thực trạng quảng cáo thực phẩm có nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người và đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
THỰC TRẠNG QUẢNG CẢO THỰC PHẨM CÓ NGUY CƠ GÂY HẠI ĐẾN SỨC KHỎE CON NGƯỜI VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN VỀ CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT
ThS. Trần Linh Huân
Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
ThS. Đỗ Thị Lan Anh
Khoa Luật, Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh
Bảo đảm sức khỏe toàn dân luôn là một trong những mục tiêu quan trọng nhằm phát triển toàn diện quốc gia về kinh tế – xã hội. Ngày nay, cuộc sống càng hiện đại và phát triển thì người ta lại quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh. Từ đây, những thực phẩm phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe và làm đẹp liên tục xuất hiện trên thị trường. Tuy nhiên, đi đôi với lợi nhuận khủng cùng những tính năng tốt cho sức khỏe, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã lợi dụng những “kẽ hở” của pháp luật để thực hiện hành vi sản xuất, kinh doanh và quảng cáo những thực phẩm có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người với những công dụng thần thánh, kích thích tâm lý người dùng khiến họ mua hàng ồ ạt, bất chấp những nguy cơ tổn hại về kinh tế, sức khỏe… Ở Việt Nam, hiện nay, vấn đề quảng cáo thực phẩm có nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật. Tuy nhiên, việc tuân thủ, thực hiện, trên thực tế vẫn chưa được triệt để, tình trạng các đối tượng lợi dụng những “kẽ hở” trong quy định pháp luật để thực hiện các hành vi quảng cáo, kinh doanh những thực phẩm không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng khá phổ biến. Chính vì vậy, việc phân tích, làm rõ thực trạng quảng cáo thực phẩm có nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người trên thực tế nhằm đưa ra một số giải pháp khắc phục, hướng tới việc bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng là điều rất quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
1. Quy định pháp luật về quảng cáo thực phẩm có nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người
Quảng cáo đã xuất hiện từ thời cổ đại, bằng chứng là, người ta đã tìm thấy những dấu tích người dân Ai Cập cổ đại viết thông báo và áp phích trên giấy cói từ hàng nghìn năm trước. Quay trở lại xa hơn nữa, người ta đã tìm thấy những phiến đá cũ được vẽ với những thông báo ở Ấn Độ có niên đại khoảng 4.000 năm trước Công nguyên nhưng quảng cáo in ấn chỉ thực sự bắt đầu phát triển khi máy in được phát minh. Mọi người đã có thể sản xuất tờ rơi và áp phích với số lượng lớn hơn. Với công nghệ mới này, mọi người có thể quảng cáo bất cứ thứ gì từ một cửa hàng đến các cuộc bầu cử công khai hoặc một nhóm kịch địa phương, nó cho phép mọi người phổ biến và truyền bá thông điệp của họ, từ đó một thế giới của những khả năng được mở ra[1]. Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ số và mạng viễn thông, quảng cáo phát triển hơn bao giờ hết với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Quảng cáo năm 2012 thì “Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân”. Còn quảng cáo thương mại chỉ là một bộ phận của quảng cáo nói chung. Theo quy định tại Điều 102 Luật Thương mại năm 2005 thì “Quảng cáo thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân để giới thiệu với khách hàng về hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của mình”. Như vậy, quảng cáo thương mại có thể hiểu là một loại quyền của các thương nhân khi kinh doanh để xúc tiến thương mại, giúp bán được nhiều hàng hóa hơn. Tuy nhiên, để việc thực hiện các quyền này được triệt để và tuân thủ pháp luật, thương nhân phải tuân thủ những nghĩa vụ do Nhà nước đặt ra được quy định cụ thể trong Luật Quảng cáo năm 2012, Luật Thương mại năm 2005 và một số văn bản liên quan khác.
Thực phẩm có nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người là những thực phẩm có chứa các tác nhân gây hại cho sức khỏe của người sử dụng. Các tác nhân đó gồm tồn dư các thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, phẩm màu độc hại, chất bảo quản, kim loại, kháng sinh cấm hoặc vượt quá giới hạn cho phép, thực phẩm biến chất, các độc tố tự nhiên trong sản phẩm hay các tác nhân sinh học gây bệnh như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, nấm mốc[2]… Thực phẩm có nguy cơ gây hại đến sức khỏe xuất hiện khá phổ biến trên thực tế do sự chạy đua về lợi nhuận của các tổ chức, cá nhân có ý định làm giàu bất chính. Tuy nhiên, nó đã, đang và sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe người dân, trở thành vấn nạn “nhức nhối” đối với công cuộc quản lý của Nhà nước.
Theo Luật Quảng cáo năm 2012, người quảng cáo và người kinh doanh dịch vụ quảng cáo có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về sản phẩm do mình quảng cáo. Cũng theo khoản 1 Điều 19 của Luật này thì “nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo”. Tuy nhiên, pháp luật về quảng cáo và pháp luật có liên quan vẫn chưa định nghĩa được thực phẩm có nguy cơ gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng là gì. Đồng thời, trong những hàng hóa cấm quảng cáo cũng không nêu rõ những thực phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, những quy định về loại thực phẩm này chỉ được điều chỉnh thông qua việc quảng cáo sai sự thật, gây thiệt hại cho người tiếp nhận quảng cáo. Những vi phạm chủ yếu trong quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện nay là quảng cáo sai sự thật, quảng cáo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung quảng cáo, quảng cáo sản phẩm có nội dung không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận[3].
Về xử phạt đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố sẽ chịu phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng và các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng quy định Tội quảng cáo gian dối tại Điều 197 về hành vi quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm đối với cá nhân. Đây là những quy định cần thiết nhằm hạn chế tình trạng quảng cáo tràn lan những thực phẩm không rõ nguồn gốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, đặc biệt là các loại thực phẩm chức năng.
2. Thực trạng quảng cáo thực phẩm có nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người
Hiện nay, tình hình quảng cáo các loại thực phẩm có nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người trên thị trường rất khó kiểm soát. Cùng với sự phát triển của công nghệ số và các trang mạng xã hội, các loại hình quảng cáo cũng ngày càng đa dạng hơn. Ở thời điểm hiện tại, pháp luật Việt Nam vẫn chưa thực sự bao quát được hết những vấn đề xảy ra trên môi trường số vì nó luôn vận động, thay đổi từng ngày. Nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng những lỗ hổng này để thực hiện quảng cáo tràn lan những thực phẩm có nguy cơ gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Các vi phạm về quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe không rõ nguồn gốc, đặc biệt là trên báo mạng rất phổ biến, quảng cáo tràn lan trên zalo, facebook, youtube, các website lưu trữ trên các máy chủ đặt tại nước ngoài khó kiểm soát, nhiều khó khăn trong quản lý nội dung quảng cáo, không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm và không có cơ sở để xử lý vi phạm[4]. Trong đó, quảng cáo sai sự thật về các loại thực phẩm chức năng là dễ nhận biết và xuất hiện nhiều nhất trên thị trường.
Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, chỉ sau 10 năm, các sản phẩm thực phẩm chức năng đã tăng lên gấp 03 lần, đây là mảnh đất màu mỡ, hấp dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh giả. Đặc biệt, sau dịch đại dịch Covid-19, các mặt hàng thuốc, thực phẩm chức năng giả tăng nhanh chóng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân[5]. Trong năm 2020 và 2021, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đã phạt hành chính khoảng 3,9 tỷ đồng các vi phạm về quảng cáo, buộc gỡ bỏ nhiều gian hàng và hàng trăm sản phẩm vi phạm nội dung quảng cáo trên sàn giao dịch điện tử. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến[6], cụ thể như:
Ngày 10/6/2020, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa thông tin về hàng loại các sản phẩm vi phạm như: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Mega Sleep trên website https://chuyengiagiacngu.com/khach-hang-chia-se/hanh-phuc-da-quay-lai-voi-benh-nhan-mat-ngu.html có nội dung quảng cáo không đúng bản chất, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo. Sản phẩm này do Công ty trách nhiệm hữu hạn Cổ phần dược phẩm medzavy (địa chỉ: Đường E3, khu E, khu công nghiệp Phố Nối A, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. Trước đó là các sản phẩm như OBA NIGHT trên website https://ngungonsaugiac.com/mat-ngu-kinh-nien-tri-mai-khong-dut-vi-khong-biet-dieu-nay.html của Công ty trách nhiệm hữu hạn Dược phẩm Spitan Việt Nam (địa chỉ: Phòng 906, tầng 9, Sky Tower A, số 88 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.
Ngày 16/6/2020, là cảnh báo về thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên nén Heathy Joint Plus; Viên nang mềm Alaska Omega 3, 6, 9 (Pure Salmon Fish Oil) trên một số website có nội dung quảng cáo vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo. Sản phẩm này do Công ty trách nhiệm hữu hạn Dược phẩm Khang Thái (địa chỉ: Số 87 Trần Não, phường Bình An, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm nêu trên[7].
Năm 2021, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng đã xử lý sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ dày Tuệ Tĩnh có hành vi quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế của người tiêu dùng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo trên website https://dadaytuetinhchinhhang.vn. Sản phẩm này do Viện nghiên cứu Y – Dược Cổ truyền Tuệ Tĩnh (địa chỉ: Số 2 Trần Phú, Quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm; sản xuất tại Xưởng sản xuất – địa điểm kinh doanh Công ty trách nhiệm hữu hạn Dược phẩm Smard ở thôn Thượng, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội[8].
Gần đây nhất, nữ bệnh nhân V.T.T. (25 tuổi, Lâm Đồng) đến Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh khám trong tình trạng cơ thể mệt, trên da xuất hiện ban đỏ, bóng nước và vết trợt chiếm hơn 60% diện tích cơ thể, kèm theo tổn thương niêm mạc mắt, miệng, mũi… Nữ bệnh nhân này cho biết, do có bệnh vảy nến nên đã mua thực phẩm chức năng dùng được khoảng 05 – 07 ngày thì trên người xuất hiện vết ban nhỏ, sau đó phát ban. Người bán nói sản phẩm đang phát huy tác dụng thải độc tố nên chị T tiếp tục sử dụng, đến khoảng ngày thứ 18, tình trạng bệnh nặng hơn, tuy nhiên, người bán tiếp tục trấn an. Thấy cơ thể đau nhức không chịu nổi, chị T được người nhà đưa đi cấp cứu ở bệnh viện. Các bác sỹ chẩn đoán chị T bị hoại tử thượng bì nhiễm độc (hội chứng Lyell) sau khi sử dụng thực phẩm chức năng, nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong[9].
Sở dĩ có những thực trạng đáng buồn trên là do pháp luật chưa có quy định rõ ràng và định nghĩa về các loại thực phẩm có nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người; công tác quản lý và áp dụng pháp luật hiện nay về lĩnh vực quảng cáo còn chưa thực sự chặt chẽ; mức xử phạt còn khá nhẹ so với lợi nhuận đạt được từ những hành vi vi phạm nên các đối tượng sau khi bị xử phạt vẫn tiếp tục thực hiện những hành vi vi phạm bằng nhiều hình thức khác nhau để thu lợi bất chính.
3. Một số kiến nghị
Thứ nhất, bổ sung khái niệm thực phẩm có nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người và bổ sung vào danh mục cấm quảng cáo. Việc không có khái niệm rõ ràng về vấn đề này làm cho việc áp dụng pháp luật trở nên khó khăn hơn khi chỉ có thể xử phạt vi phạm đối với những mặt hàng này theo quy định quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng. Đồng thời, cũng cần thắt chặt hoạt động quản lý, cấp giấy phép kinh doanh, quảng cáo đối với những thực phẩm có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Thứ hai, các cơ quan phát hành quảng cáo cần kiểm duyệt nội dung quảng cáo theo đúng nội dung của cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt. Theo quy định pháp luật hiện hành, các sản phẩm thuộc lĩnh vực y tế thực phẩm chức năng… do Bộ Y tế quản lý, cấp phép. Đối với việc quảng cáo thực phẩm chức năng, phải có giấy xác nhận nội dung quảng cáo do Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cấp… Các cơ quan này cần làm đúng chức năng của mình và thắt chặt hơn nữa các hoạt động kiểm tra, kiểm soát hoạt động quảng cáo để tránh bỏ lọt những sai phạm, tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh thu lợi bất chính.
Thứ ba, tăng mức xử phạt trong hoạt động quảng cáo và quy kết trách nhiệm rõ ràng cho các chủ thể. Thực phẩm chức năng hiện là nhu cầu của toàn xã hội nên có lượng tiêu thụ rất lớn, đem về nguồn lợi nhuận khổng lồ, trong đó, các thực phẩm có nguy cơ gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc ngày càng phổ biến trên thị trường. Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính về những vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo vẫn còn quá ít, chưa tương ứng với lợi nhuận thu được nên chưa có tính răn đe đối với các đối tượng, dẫn đến tình trạng sau khi xử lý họ vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động quảng cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng. Bên cạnh đó, quy định về Tội quảng cáo gian dối tại Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng chỉ đề cập đến đối tượng là cá nhân mà không có pháp nhân, tổ chức trong khi hiện nay hành vi sản xuất, phân phối và quảng cáo các thực phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng đa phần là do các tổ chức thực hiện. Đây là một vướng mắc của pháp luật, cần sớm được bổ sung, hoàn thiện.
Thứ tư, Luật Quảng cáo năm 2012 quy định người quảng cáo cũng phải chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay cho thấy, các sản phẩm có nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người đa số được quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội nên khi bị phát hiện và truy cứu trách nhiệm, các đối tượng có sản phẩm quảng cáo nhất quyết không nhận mà “đùn đẩy” trách nhiệm gây khó khăn cho hoạt động điều tra, xử lý vi phạm của cơ quan chức năng. Để khắc phục tình trạng này, pháp luật cần làm rõ và quy định chặt chẽ hơn vấn đề này để bảo đảm xử phạt triệt để những hành vi sai phạm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.
Có thể nói, việc kiểm soát quảng cáo thực phẩm có nguy cơ gây hại đến sức khỏe là đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bảo đảm sức khỏe của nhân dân. Pháp luật Việt Nam cũng ngày càng hoàn thiện để hạn chế những hành vi sai phạm, tuy nhiên, vì những lý do khách quan và chủ quan, hiện tượng quảng cáo tràn lan những thực phẩm có nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người vẫn diễn ra thường xuyên dưới nhiều hình thức tinh vi. Vì vậy, cần có những giải pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng này nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và những doanh nghiệp chân chính, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta trong thời điểm hiện tại.
[1]. Hà Anh, “Lịch sử quảng cáo phát triển như thế nào?”, https://www.brandsvietnam. com/congdong/topic/27793-Lich-su-quang-cao-phat-trien-nhu-the-nao, truy cập ngày 30/11/2023.
[2]. Thủy Nguyên, “Thực phẩm không an toàn và những hậu quả đối với sức khỏe, đời sống”, https://soyte.hanoi.gov.vn/an-toan-thuc-pham/-/asset_publisher/4IVkx5Jltnbg/content/thuc-pham-khong-an-toan-va-nhung-hau-qua-oi-voi-suc-khoe-oi-song?_101_INSTANCE_4IVkx5Jltnbg_viewMode=view, truy cập ngày 30/11/2023.
[3]. Hiền Minh, “Chấn chỉnh quảng cáo thực phẩm chức năng: Bảo vệ sức khỏe người dân và quyền lợi DN”, https://baochinhphu.vn/chan-chinh-quang-cao-thuc-pham-chuc-nang-bao-ve-suc-khoe-nguoi-dan-va-quyen-loi-dn-102220310162316248.htm, truy cập 30/11/2023.
[4]. Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, “Tăng cường hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe”, https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo/-/asset_publisher/TW6LTp1ZtwaN/content/tang-cuong-hoat-ong-quang-cao-thuc-pham-bao-ve-suc-khoe, truy cập 30/11/2023.
[5]. An Dương, “Thực phẩm chức năng giả ngày càng nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng”, https://vietq.vn/suyt-tu-vong-ma-tuong-dang-thai-doc-do-su-dung-phai-thuc-pham-chuc-nang-gia-d204641.html, truy cập ngày 30/11/2023.
[6]. Hiền Minh, Tlđd.
[7]. Tạp chí Khoa học và Đời sống, “Cẩn trọng với quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thực”, https://khoahocdoisong.vn/can-trong-voi-quang-cao-thuc-pham-chuc-nang-sai-su-thuc-post132444.html, truy cập ngày 30/11/2023.
[8]. Thái Bình, “Cảnh báo thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ dày Tuệ Tĩnh”, https://suckhoedoisong.vn/canh-bao-thong-tin-quang-cao-thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-da-day-tue-tinh-169211103223109358.htm, truy cập ngày 30/11/2023.
[9]. An Dương Tlđd.
Nguồn: https://danchuphapluat.vn/thuc-trang-quang-cao-thuc-pham-co-nguy-co-gay-hai-den-suc-khoe-con-nguoi-va-mot-so-kien-nghi-hoan-thien-ve-chinh-sach-phap-luat
Xem thêm:
Đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe
Những sản phẩm, hành vi bị cấm trong quảng cáo
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.
Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com
Tiktok: tiktok.com/@lscchannel