Trong bối cảnh xã hội ngày càng phức tạp, vấn đề bạo lực và xâm hại tình dục đối với trẻ em ở Việt Nam không chỉ là một vấn đề riêng của gia đình mà còn là một thách thức lớn đối với toàn xã hội. Sự bất lực trước những con số đáng báo động không chỉ là nỗi lo lớn của các bậc phụ huynh mà còn là trách nhiệm của chính quyền và cộng đồng xã hội. Hãy cùng nhìn vào tình hình hiện nay, tìm hiểu vấn đề và tìm cách giải quyết chúng để bảo vệ tương lai của đất nước. Bài viết dưới đây của ThS. Lê Ngọc Ngọ đưa tới góc nhìn sâu hơn về tình trạng bạo lực trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em đã và đang diễn ra tại Việt Nam, đồng thời ThS cũng đưa ra các giải pháp phòng, chống tình trạng này.
THỰC TRẠNG TRẺ EM BỊ BẠO LỰC, XÂM PHẠI TÌNH DỤC Ở VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG
ThS. Lê Ngọc Ngọ
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
1. Tình hình trẻ em và thực trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục tại Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Chính phủ tại Báo cáo về thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em ngày 14/5/2020, số lượng trẻ em trên toàn quốc là 24.776.773 (trong đó nam là 12.915.365; nữ là 11.861.368) và số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 1.773.112 (chiếm 7.16 %)[1]. Toàn quốc có khoảng 91.7% trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông đang được đi học (mầm non: 4.922.383 trẻ; tiểu học: 8.482.556 trẻ; trung học cơ sở: 5.440.976 trẻ; trung học phổ thông: 2.548.878 trẻ) còn 8.3% trẻ em đang trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng hiện không đi học (7.7% đã thôi học; 6% chưa bao giờ đi học; tỷ lệ này của nữ cao hơn của nam). Trong đó, có 1.75 triệu trẻ em (chiếm 9.6%) trong độ tuổi từ 05 đến 17 tuổi được xác định là lao động trẻ em, 175.000 trẻ em không đi học, 8.200 trẻ em chưa từng đi học[2].
Ngoài ra, theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, số lượng trẻ em có cha, mẹ ly hôn hiện nay vẫn rất cao chiếm khoản 1.8% tổng dân số. Chỉ tính riêng từ ngày 01/10/2017 đến ngày 30/9/2018, có 78.453 người dưới 18 tuổi có cha mẹ ly hôn, ước tính trẻ em là 71.800; từ ngày 01/10/2018 đến ngày 30/6/2019, có 53.980 người dưới 18 tuổi có cha mẹ ly hôn, ước tính trẻ em là 49.400)[3].
Trong những năm qua, các vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em gây thiệt hại về thể chất, tinh thần xảy ra ngày càng nhiều gây phẫn nộ trong dư luận và được xã hội đặc biệt quan tâm. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, từ năm 2015 đến năm 2021, đã xảy ra: 6.364 vụ xâm hại tình dục, 6.432 nạn nhân; 170 vụ giết trẻ em, 191 nạn nhân; 536 vụ cố ý gây thương tích đối với trẻ em, 666 nạn nhân; 126 vụ mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em, 106 nạn nhân; 1.246 vụ xâm hại khác, 1.314 nạn nhân. Các hành vi xâm hại trẻ em xảy ra ở trong cộng đồng, nhà trường và trong chính gia đình với tính chất vụ việc ngày càng nghiêm trọng, phức tạp. Có thể kể đến các vụ như: Bé gái 03 tuổi ở huyện Thạch Thất, Hà Nội bị đối tượng Nguyễn Trung H (nhân tình của mẹ) cắm 09 cây đinh vào đầu[4]; bé gái 12 tuổi ở Hà Đông, thành phố Hà Nội bị cha dượng là Phạm Thanh T xâm hại và Mẹ Hoàng Thị Thu H thường xuyên dùng ống nước, dây điện, gậy tre đánh vào chân, tay, lưng khiến bé bị bầm tím khắp cơ thể[5]; bé trai 05 tuổi ở phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dường bị cha dượng là Lê Hoài N bạo hành, đánh đập[6]; Trần Quang T (cha dượng) có hành vi xâm hại tình dục đối với con riêng của vợ ở Tuyên Quang[7]…
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà tại Phiên giải trình “Tăng cường chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì phối hợp với Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Xã hội tổ chức vào sáng ngày 22/02/2022, nêu rõ những tồn tại, hạn chế như: Tình hình xâm hại trẻ em năm 2021 diễn biến phức tạp và xảy ra một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội; công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là việc phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình chưa được quan tâm đúng mức, để xảy ra một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong xã hội. Ngoài ra, việc phối hợp cung cấp, kết nối các dịch vụ bảo vệ trẻ em vẫn còn lúng túng, chưa kịp thời; mạng lưới cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em một số nơi, một số thời điểm bị gián đoạn, ảnh hưởng đến cung cấp, kết nối dịch vụ hỗ trợ trẻ em và gia đình các em; nhiều hoạt động có sự tham gia của trẻ em chưa được tổ chức hoặc nhiều tỉnh, thành phố không thể tổ chức được do thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội bởi dịch bệnh Covid-19.
Qua nghiên cứu cho thấy, thủ phạm xâm hại trẻ em thường là người quen của trẻ em, lợi dụng sự gần gũi với gia đình và trẻ em; những đối tượng lạ mặt lợi dụng hoàn cảnh như: Đường vắng, trẻ em ở nhà một mình, sử dụng chất kích thích, việc tiếp cận các phim ảnh có nội dung khiêu dâm, đồi trụy… để thực hiện hành vi xâm hại trẻ em.
2. Nguyên nhân trẻ em bị xâm hại
– Công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em có lúc, có nơi còn chưa hiệu quả. Nhận thức và kỹ năng của cha mẹ, các thành viên trong gia đình, giáo viên, người dân trong cộng đồng và của chính bản thân trẻ em về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ. Nhiều trẻ em chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại; các em khi bị xâm hại đa số đều có tâm lý sợ hãi, không tố giác kẻ phạm tội còn cha mẹ cũng chưa hướng dẫn những kiến thức cơ bản cho các em để chủ động phòng tránh
– Sự thiếu hiểu biết về pháp luật và lối sống thiếu trách nhiệm của một số gia đình cũng tạo ra sự mất an toàn cho trẻ em ngay trong chính gia đình của mình. Một số gia đình tập trung cho việc làm ăn kinh tế quá mức dẫn đến tình trạng sao nhãng, bỏ mặc trẻ em, đó là mầm mống nảy sinh các hành vi xâm hại đối với trẻ em. Gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bỏ học, lang thang kiếm sống, bị bạo lực, bị xâm hại.
– Vai trò, trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em của gia đình, nhà trường và cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức nên thiếu sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả trong việc quản lý, giáo dục và giúp đỡ trẻ em.
Sự giảm sút cơ hội việc làm cho những lao động chân tay, không có trình độ cao tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế hộ gia đình; ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội, nguy cơ bị xâm hại, bạo lực trên môi trường mạng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển toàn diện và an toàn của trẻ em trong gia đình.
Bên cạnh đó, việc tạo cho trẻ em một môi trường thân thiện, với các điều kiện vui chơi, giải trí lành mạnh, phát triển năng khiếu chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức.
Hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em vẫn còn khoảng trống như chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, thiếu quy định cụ thể về đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác và phối hợp xác minh, đánh giá, điều tra về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn hoặc gây tổn hại, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em; chưa có quy định về thẩm quyền, thủ tục tách trẻ em ra khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trong trường hợp chính cha, mẹ, người chăm sóc có hành vi xâm hại; thiếu hệ thống theo dõi để bảo đảm những trẻ em này không tiếp tục bị bạo lực.
3. Một số giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em
Để tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống các hành vi xâm hại trẻ em trong thời gian tới, tác giả kiến nghị một số giải pháp trọng tâm sau đây:
Một là, đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xâm hại trẻ em và hậu quả của nó. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật này phải có kế hoạch, chương trình ngắn hạn, dài hạn cụ thể, trong đó chú trọng đến việc lồng ghép nội dung truyền thông vào trong sinh hoạt của thôn, ấp, tổ dân phố; trong sinh hoạt ngoại khóa của các cấp học và sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức, đoàn thể các cấp để từ đó nâng cao ý thức tự bảo vệ của trẻ trước những nguy cơ bị xâm hại. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.
Hai là, cha mẹ thường xuyên quan tâm, chia sẻ với con để nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý cần thiết. Bên cạnh đó, khả năng nhận thức và tự bảo vệ của trẻ em còn nhiều hạn chế nên các em chính là đối tượng có nguy cơ bị xâm hại. Vì vậy, cha mẹ cũng cần phải trang bị cho trẻ em biết cách tự phòng vệ, chia sẻ với con về giới tính, tình dục tuổi mới lớn. Vì trẻ em hiện nay có xu hướng dậy thì sớm, tránh bạo lực khi con có sai phạm, luôn lắng nghe con và không chủ quan giao con còn nhỏ cho người khác.
Ba là, đối với các nhà trường cần thường xuyên tổ chức nói chuyện chuyên đề về tình trạng bạo lực học đường; sức khỏe sinh sản cho học sinh. Hướng dẫn cho trẻ em biết cách phản ứng trước những hành vi bị bạo lực, xâm hại. Cung cấp số điện thoại của các cơ quan chức năng để trẻ em, người thân của trẻ em có thể liên thệ khi bị tấn công bằng bạo lực hoặc bị xâm hại tình dục. Thầy, cô giáo cần quan tâm những học sinh có biểu hiện bất an, không tập trung, lắng nghe và chia sẻ với học sinh.
Bốn là, nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động bảo vệ, điều tra, truy tố, xét xử đối với các đối tượng có hành vi xâm hại, bạo lực đối với trẻ em. Trong đó, cần tập trung nghiên cứu mô hình tách trẻ em ra khỏi người có hành vi xâm hại (khi người xâm hại là cha, mẹ, người nuôi dưỡng) để giao cho người thân khác nhằm bảo vệ trẻ em một cách tốt nhất trước những hành vi xâm hại. Ngoài ra, trong công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo trẻ em bị xâm hại, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng tiếp cận hiện trường, đưa trẻ em đi chữa trị và thực hiện giám định phục vụ tốt cho công tác giải quyết vụ án hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
[1]. Tổng cục Thống kê, Báo cáo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
[2]. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Báo cáo tổng kết năm học 2020 – 2021.
[3]. Tòa án nhân dân tối cao, Báo cáo tổng kết năm 2020, 2021.
[4]. Bé gái 3 tuổi bị đinh găm vào đầu: Tình nhân của người mẹ là nghi phạm, https://vtc.vn/be-gai-3-tuoi-bi-dinh-gam-vao-dau-tinh-nhan-cua-nguoi-me-la-nghi-pham-ar657857.html, truy cập ngày 05/10/2022.
[5]. Bé gái 12 tuổi nhiều lần bị nhân tình của mẹ đánh đập và hiếp dâm, https://www. baotuoitredoisong.com/2021/09/truy-to-nguoi-me-cung-nhan-tinh-nhieu.html, truy cập ngày 05/10/2022.
[6]. Cha dượng đánh đập dã man bé trai ở Bình Dương, https://vtc.vn/cha-duong-danh-dap-da-man-be-trai-o-binh-duong-ar628915.html. truy cập ngày 05/10/2022.
[7]. Tuyên Quang: Xót xa bé gái nhiều lần gã cha dượng đồi bại xâm hại trong phòng ngủ, https://giaoducthoidai.vn/tuyen-quang-xot-xa-be-gai-nhieu-lan-ga-cha-duong-doi-bai-xam-hai-trong-phong-ngu-post599987.html. truy cập ngày 05/10/2022.
Xem thêm:
Quy định pháp luật về hành vi bạo lực trẻ em
Hành vi cưỡng ép trẻ em sử dụng ma túy bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án bao nhiêu
Lưu ý: Các thông tin, nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.
Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066