Tội cưỡng ép kết hôn, li hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở li hôn tự nguyện (Điều 181 BLHS)

Hành vi cưỡng ép kết hôn, li hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ, cản trở li hôn tự nguyện bị xử lý như thế nào? Mời Qúy bạn đọc tìm hiểu tại bài viết dưới đây của VPLS Dương Công:

(LSC) Tội cưỡng ép kết hôn, li hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở li hôn tự nguyện (Điều 181 BLHS)

1- Quy định pháp luật về Tội cưỡng ép kết hôn, li hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở li hôn tự nguyện 

Điều 181 BLHS quy định: “Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác li hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm…”.

Tội phạm này xâm phạm nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ – một trong những nguyên tắc cơ bản của luật hôn nhân và gia đình Việt Nam. Hành vi phạm tội đồng thời còn có thể là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mâu thuẫn gia đình, thậm chí có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khác (như dẫn đến hành vi tự sát của nạn nhân).

So với BLHS năm 1999, tội danh cũng như nội dung quy định có sự mở rộng hơn. BLHS năm 1999 mới chỉ quy định hành vi phạm tội liên quan đến quyền kết hôn mà chưa quy định hành vi phạm tội liên quan đến quyền li hôn. BLHS năm 2015 đã quy định hành vi phạm tội liên quan đến cả hai quyền này, đảm bảo sự thống nhất giữa quyền kết hôn và quyền li hôn. Trong đó, kết hôn được hiểu là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của luật hôn nhân và gia đình; li hôn được hiểu là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

2- Cấu thành tội phạm của Tội cưỡng ép kết hôn, li hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở li hôn tự nguyện 

2.1 Chủ thể của tội phạm

Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ cũng phải bảo đảm các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12 và 21 Bộ luật Hình sự.

Chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật Hình sự (không có Điều 181).

Đối với người trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự (Điều 13 Bộ luật Hình sự).

2.2.Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội thực hiện hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là “cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện” trái với sự tự nguyện của bị hại, thấy trước được hậu quả và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Đối với Tội “Cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện”, người phạm tội bao giờ cũng mong muốn cho hậu quả xảy ra. Mục đích là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.

2.3.Khách thể của tội phạm

Khách thể của Tội “Cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện” xâm phạm đến quan hệ hôn nhân tự do, tiến bộ. Các quan hệ này không chỉ được Hiến pháp, Luật Hôn nhân và Gia đình ghi nhận, mà trực tiếp xâm phạm đến quyền kết hôn, quyền ly hôn giữa nam và nữ.

2.4. Mặt khách quan của tội phạm
– Hành vi khách quan của tội cưỡng ép kết hôn, li hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở li hôn tự nguyện được quy định là:
+ Hành vi cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ;
+ Hành vi cản trở người khác kết hôn hợp pháp;
+ Hành vi cản trở người khác duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
+ Hành vi cưỡng ép người khác li hôn hoặc+ Hành vi cản trở người khác li hôn tự nguyện.

Cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ (còn có thể được gọi là cưỡng ép kết hôn) là buộc người khác phải lấy người nào đó làm chồng hoặc làm vợ trái với sự tự nguyện của họ.

Cản trở người khác kết hôn hợp pháp (còn có thể được gọi là cản trở kết hôn) là ngăn cản người khác không được kết hôn theo ý muốn của họ, trong khi cuộc hôn nhân đó là hoàn toàn hợp pháp. Như vậy, hành vi cản trở hôn nhân sai trái (vi phạm các điều kiện kết hôn do luật định) không phải là hành vi khách quan của tội phạm này.

+ Hành vi cản trở người khác duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ là ngăn cản, gây khó khăn cho người khác trong việc họ tiếp tục có quan hệ hôn nhân đúng pháp luật với người khác.

+ Cưỡng ép người khác li hôn (còn có thể được gọi là cưỡng ép li hôn) là buộc người khác (một bên hoặc cả hai bên) phải thực hiện việc li hôn trái ý muốn của họ.

+ Cản trở người khác li hôn (còn có thể được gọi là cản trở li hôn) là ngăn cản người khác (một bên hoặc cả hai bên) không được thực hiện việc li hôn mà họ muốn.

– Thủ đoạn phạm tội (thủ đoạn thực hiện hành vi khách quan nêu trên) được quy định phải là một trong các thủ đoạn sau:

– Hành hạ: Là hành vi đối xử tàn ác như đánh đập, gây cho họ sự đau đớn, khổ sở về thể chất, tuy chưa đến mức gây thương tích hoặc tổn hại đáng kể đến sức khoẻ của nạn nhân nhưng lại diễn ra có tính hệ thống.

– Ngược đãi: Là hành vi đối xử tồi tệ nhằm gây những đau khổ về tinh thần kéo dài như thường xuyên mắng chửi, sỉ vả, làm nhục, đuổi ra khỏi nhà…

– Uy hiếp tinh thần: Là hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, tài sản hoặc dùng uy lực đe dọa sẽ không cho hưởng lợi ích quan trọng, thiết thân nào đó, làm cho người bị đe dọa có căn cứ lo sợ thực sự.

– Yêu sách của cải: Là hành vi đòi hỏi của cải như là một trong những điều kiện bắt buộc để được kết hôn như cố tình thách cưới cao một cách không bình thường làm cho bên bị thách cưới không thể lo liệu được để lấy cớ không cho kết hôn. Cần phân biệt thủ đoạn này với tệ thách cưới thông thường là hiện tượng vẫn còn tương đối phổ biến trong xã hội.

– Những thủ đoạn khác: Là những thủ đoạn bất hợp pháp khác có tính chất tương tự như những thủ đoạn kể trên như dùng vũ lực bắt ép người con gái phải đi theo mình trái với ý muốn của họ (trường hợp này khác với tục lệ bắt cóc cô dâu tại một số vùng dân tộc ít người ở nước ta)…

3. Hình phạt

Điều luật quy định 01 khung hình phạt là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.

Đọc thêm:

Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *