1. Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ là gì?

Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ là hành vi của quân nhân dự bị đã không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ trong trường hợp có lệnh tổng động viên, lệnh động viên cục bộ, có chiến tranh hoặc có nhu cầu tăng cường cho lực lượng thường trực của quân đội để chiến đấu bảo vệ địa phương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ được quy định tại Điều 333 Bộ luật Hình sự 2015:

Điều 333. Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ

1. Người nào là quân nhân dự bị mà không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ trong trường hợp có lệnh tổng động viên, lệnh động viên cục bộ, có chiến tranh hoặc có nhu cầu tăng cường cho lực lượng thường trực của quân đội để chiến đấu bảo vệ địa phương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;

b) Lôi kéo người khác phạm tội.

2. Dấu hiệu cấu thành Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ.

1.1. Khách thể

Khách thể của Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước trong lĩnh vực hành chính đối với việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Theo Điều 45 Hiến pháp năm 2013, bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng, là quyền cao quý của công dân và công dân phải thực hiện nghĩa vụ và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Quy định tội phạm này phù hợp với Hiến pháp và các quy định pháp luật về nghĩa vụ quân sự; thúc đẩy công dân chấp hành một cách nghiêm chỉnh; đồng thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới.

1.2. Mặt khách quan

Về hành vi khách quan, người nào là quân nhân dự bị mà không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ trong trường hợp có lệnh tổng động viên, lệnh động viên cục bộ, có chiến tranh hoặc có nhu cầu tăng cường cho lực lượng thường trực của quân đội để chiến đấu bảo vệ địa phương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Không chấp hành có thể xác định không hành động hoặc hành động. Người phạm tội không chấp hành có thể là đã nhận được lệnh gọi nhập ngũ nhưng không đến nơi nhập ngũ hoặc là không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ bằng cách thực hiện hành vi tự gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của mình để không phải nhập ngũ…

Tại Điều 46 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định về gọi nhập ngũ khi có lệnh động viên: Khi có lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lệnh đình chỉ việc xuất ngũ, nghỉ phép đối với hạ sỹ quan, binh sỹ; hạ sỹ quan, binh sỹ đang nghỉ phép phải trở về đơn vị. 

Việc không chấp hành lệnh gọi quân dự bị nhập ngũ thì hậu quả để lại vô cùng nghiêm trọng: làm ảnh hưởng đến quá trình tuyển quân, chính sách thực hiện nghĩa vụ quân sự của Nhà nước, nếu khi xảy ra chiến tranh có thể dẫn đến hậu quả không thể lường trước được. Những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra có thể là vật chất hoặc phi vật chất.

Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ xác định hoàn thành từ thời điểm hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ xảy ra và hậu quả không phải dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội phạm.

1.3. Chủ thể

Chủ thể thực hiện hành vi phạm tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ đã thể hiện rõ ngay trên tội danh, chủ thể của tội này là quân nhân dự bị.

Căn cứ vào Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2017) quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự: 

+ Người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình về tội phạm rất nghiêm trong, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như: tội giết người, tội cố ý gây thương tích và gây tổn hại đến sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội mua bán người, tội cưỡng đoạt tài sản, tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội sản xuất trái phép chất ma túy…

+ Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Luật Lực lượng dự bị động viên năm 2019, quân nhân dự bị bao gồm sỹ quan dự bị, quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sỹ quan, binh sỹ dự bị được đăng ký theo quy định của Luật Sỹ quan Quân đội nhân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự.

Độ tuổi quân nhân dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình được xác định như sau:

+ Độ tuổi sỹ quan dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên được quy định tại Điều 13 Văn bản hợp nhất Luật sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam năm 2019: hạn tuổi cao nhất của sỹ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm với Cấp Úy: nam 46 tuổi, nữ 46 tuổi; Thiếu tá: nam 48 tuổi, nữ 48 tuổi; Trung tá: nam 51 tuổi, nữ 51 tuổi; Thượng tá: nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi; Đại tá: nam 57 tuổi, nữ 55 tuổi; Cấp Tướng: nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi.

+ Độ tuổi quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sỹ quan, binh sỹ dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên: (1) Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị không quá 40 tuổi; hạ sỹ quan, binh sỹ dự bị không quá 35 tuổi được sắp xếp vào đơn vị chiến đấu; (2) Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sỹ quan, binh sỹ dự bị không quá 45 tuổi; nữ quân nhân dự bị không quá 40 tuổi được sắp xếp vào đơn vị bảo đảm chiến đấu.

Tại Điều 7 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 về nghĩa vụ phục vụ trong ngạch dự bị: (1) Công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ phục vụ trong ngạch dự bị bao gồm hết độ tuổi gọi nhập ngũ nhưng chưa phục vụ tại ngũ (độ tuổi gọi nhập ngủ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi và công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập đến hết 27 tuổi); thôi phục vụ tại ngũ; thôi phục vụ trong Công an nhân dân và (2) Công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân.

Do đó, người thực hiện hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ là quân nhân chuyên nghiệp dự bị, hạ sỹ quan dự bị, binh sỹ dự bị thì công dân nam là từ đủ 18 tuổi đến 45 tuổi, công dân nữ là từ đủ 18 tuổi đến 40 tuổi và độ tuổi người thực hiện hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ là sỹ quan dự bị sẽ căn cứ vào cấp bậc quân hàm.

1.4. Mặt chủ quan

Người thực hiện hành vi phạm tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ thực hiện hành vi do lỗi cố ý. Tức là, người thực hiện hành vi phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, gây ảnh hưởng đến kế hoạch động viên quân dự bị tăng cường cho lực lượng thường trực của quân đội nhưng cố tình không chấp hành lệnh.

Động cơ phạm tội của người thực hiện hành vi phạm tội sẽ khác nhau do phụ thuộc vào từng hoàn cảnh, điều kiện gia đình của người phạm tội,….

2. Hình phạt Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ

Theo quy định tại Điều 333 Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ như sau: 

–  Người nào là quân nhân dự bị mà không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ trong trường hợp có lệnh tổng động viên, lệnh động viên cục bộ, có chiến tranh hoặc có nhu cầu tăng cường cho lực lượng thường trực của quân đội để chiến đấu bảo vệ địa phương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

–  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: 

+  Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;

+  Phạm tội trong thời chiến;

+ Lôi kéo người khác phạm tội.”

Như vậy, quân nhân dự bị mà không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ trong trường hợp có lệnh tổng động viên, lệnh động viên cục bộ, có chiến tranh hoặc có nhu cầu tăng cường cho lực lượng thường trực của quân đội thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự mức cao nhất là 5 năm tù.

Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết “Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ” mà VPLS Dương Công muốn gửi đến bạn đọc. 


Xem thêm:

Tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự (Điều 334 BLHS 2015)

Tội trộm cắp tài sản (Điều 173 Bộ luật Hình sự)

Tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản (Điều 232 BLHS)


Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com