Tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự (Điều 334 BLHS 2015)

Bảo vệ Tổ quốc có thể nói là nhiệm vụ thiêng liêng, cao quý nhất của mỗi công dân. Hiến pháp 2013 cũng đã quy định công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Chính vì vậy mà việc làm trái các quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự có thể làm ảnh hưởng đến chế độ quản lý nhà nước đối với nghĩa vụ quân sự, đe dọa đến hệ thống quốc phòng của đất nước và có thể bị xử lý hình sự.  Vậy thế nào là làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự? Tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự bị xử lý hình sự như thế nào? Hãy cùng VPLS Dương Công tìm hiểu qua bài viết dưới đây:

Tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự (Điều 334 BLHS 2015) – ảnh: nguồn internet

1. Tội làm trái các quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là gì?

Tội làm trái các quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện.

Tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự được quy định tại Điều 334 Bộ luật Hình sự 2015:

Điều 334. Tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội trong thời chiến, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

2. Dấu hiệu pháp lý của tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự

Làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện.

2.1. Khách thể của tội phạm

Cũng giống với tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự và tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ, khách thể của tội phạm này là chính sách (chế độ) nghĩa vụ quân sự của Nhà nước; xâm phạm đến hoạt động bình thường của các cơ quan hành chính Nhà nước, trong đó có các cơ quan quân sự địa phương. Tuy nhiên, đối với tội phạm này, chính sách nghĩa vụ quân sự bị xâm phạm được giới hạn bởi chính sách về đăng ký nghĩa vụ quân sự; chính sách về gọi nhập ngũ, về gọi tập trung huấn luyện.

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự đó, có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của họ, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ không thể thực hiện được hành vi làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự được.

Làm trái quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự là hành vi không làm, làm không đầy đủ hoặc làm khác với quy định về việc đăng ký nghĩa vụ quân sự. Ví dụ, Điều 12 Luật nghĩa vụ quân sự 205 quy định công dân nam từ 17 tuổi trở lên là đối tượng được đăng kí nghĩa vụ quân sự như ban chỉ huy quân sự A đã gọi công dân nam B mới 16 tuổi đăng kí nghĩa vụ quân sự.

Làm trái quy định về gọi nhập ngũ là hành vi không làm, làm không đầy đủ hoặc làm khác quy định của pháp luật về việc gọi nhập ngũ. Ví dụ, Điều 31 Luật nghĩa vụ quân sự 205 quy định công dân đủ tiêu chuẩn về sức khỏe mới được gọi nhập ngũ. Tuy nhiên dù C không đủ điều kiện về sức khỏe nhưng vẫn bị gọi nhập ngũ.

Làm trái quy định về gọi tập trung huấn luyện là hành vi không làm, làm không đầy đủ hoặc làm khác việc gọi tập trung huấn luyện theo quy định của pháp luật. Ví dụ, Điều 27 Luật nghĩa vụ quân sự 205 quy định, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạng một phải tham gia huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu trong đơn vị dự bị động viên với tổng thời gian không quá 12 tháng. Nếu người có chức vụ, quyền hạn không thực hiện đúng quy định trên là làm trái quy định về gọi tập trung huấn luyện.

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này. người phạm tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự chỉ cần có hành vi làm trái là tội phạm đã hoàn thành, không cần hậu quả đã xảy ra hay chưa xảy ra.

2.3. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có chức vụ, quyền hạn mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

Người có chức vụ quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.

Tuy nhiên, đối với tội phạm này, người có chức vụ, quyền hạn phải là người có trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Chỉ những người có liên quan đến những quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, về gọi nhập ngũ, về gọi tập trung huấn luyện mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

Ngoài ra, chủ thể của tội phạm phải thỏa mãn điều điện là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.

Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XXII Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sựlà người từ đủ 16 tuổi trở lên.

2.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Cũng như đối với người phạm tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự, người phạm tội “làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự” thực hiện hành vi do cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Tức là nhận thức rõ hành vi của mình là làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, gây ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức thực hiện nghĩa vụ quân sự, bổ sung lực lượng nòng cốt bảo vệ đất nuốc. Người phạm tội cũng có thể thấy trước hậu quả của hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, nhưng chủ yếu là bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.

Động cơ của người phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc như đối với một số tội phạm khác do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, nhưng động cơ phạm tội cũng là dấu hiệu rất quan trọng để đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện. Ví dụ: Vì thành tích cá nhân hoặc vì thành tích của địa phương mà làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự khác với vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.

Mục đích của người phạm tội chính là mong muốn thoả mãn động cơ phạm tội; giữa động cơ và mục đích của tội phạm này trong nhiều trường hợp không thể tách bách được.

3. Hình phạt đối với người phạm tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự

Điều 334 Bộ luật Hình sự quy định 03 Khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:

– Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

– Phạm tội trong thời chiến, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

– Khung hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.


Xem thêm:

Tội đe dọa giết người (Điều 133 BLHS)

Tội trộm cắp tài sản (Điều 173 Bộ luật Hình sự)

Tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản (Điều 232 BLHS)


Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *