Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356 BLHS)

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ thuộc nhóm các tội phạm về chức vụ, được quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, người có chức vụ, quyền hạn dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn khác làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm. Trong bài viết này, Văn Phòng Luật sư Dương Công xin làm rõ một số nội dung về loại tội này.

Ảnh: Minh họa, Nguồn Internet

Đọc thêm: Tội đưa hối lộ (Điều 364 BLHS)

                  Tội nhận hối lộ (Điều 354 BLHS)

                 Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360 BLHS)

  1. Quy định pháp luật về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ được quy định tại Điều 356 BLHS năm 2015 như sau:

Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

2. Cầu thành tội phạm của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội phạm là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn. Ngoài hai dấu hiệu pháp lý thông thường của chủ thể của tội phạm là độ tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi phạm tội ở đây phải là người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của Điều 277 BLHS. Nếu người gây thiệt hại cho xã hội không có dấu hiệu về chức vụ, quyền hạn thì hành vi gây thiệt hại có thể cấu thành một tội phạm khác.

  Khách thể của tội phạm:

Tội phạm xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức xã hội, đồng thời xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân.

   Mặt khách quan của tội phạm:

Đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, các dấu hiệu thuộc mặt khác quan cũng là những dấu hiệu rất quan trọng để xác định hành vi phạm tội cũng như để phân biệt tội phạm này với các tội phạm khác có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

 Hành vi khách quan của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ: Trước hết, người phạm tội phải là người có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình. Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ cũng tương tự như hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người phạm tội tham ô, tội nhận hối lộ và các tội phạm khác có việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn và đã sử dụng chức vụ, quyền hạn đó một cách trái phép nhằm mục đích mà họ đặt ra. Nếu không sử dụng chức vụ, quyền hạn mà mình có thì không thực hiện được hành vi để đạt được mục đích của mình. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi gây thiệt hại đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện được hành vi gây thiệt hại; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện hành vi gây thiệt hại một cách dễ dàng.

 Hậu quả của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ: Người có chức vụ, quyền hạn, lợi dụng chức vụ, quyền hạn phải gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Nếu không gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân mà nhằm mục đích khác, thì tuỳ trường hợp mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ theo Điều 282 Bộ luật hình sự; tội nhận hối lộ theo điểm b khoản 2 Điều 279 Bộ luật hình sự; tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác theo Điều 280 Bộ luật hình sự, hoặc tội tha trái pháp luật người đang bị tạm giam, giữ theo Điều 302 Bộ luật hình sự.

     Khác với các tội phạm khác, hậu quả của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, hậu quả lại là dấu hiệu bắt buộc. Nếu hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chưa gây thiệt hại thì chưa cấu thành tội phạm này.

      Mặt chủ quan của tội phạm:

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Động cơ phạm tội là động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Động cơ vụ lợi là động cơ mưu cầu lợi ích vật chất cho mình hoặc cho người khác mà mình quan tâm. Động cơ cá nhân khác trong thực tế có thể là động cơ củng cố địa vị, uy tín cá nhân hoặc quyền lực cá nhân mà không mưu cầu lợi ích vật chất. Động cơ phạm tội là dấu hiệu pháp lý bắt buộc của tội này.

3. Hình phạt

+ Khung cơ bản: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm;

+ Khung tăng nặng:

Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm (khoản 2 Điều 356)

Phạt tù từ 10 đến 15 năm (khoản 3 Điều 356)

+ Hình phạt bổ sung: Cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.

Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *