Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192 BLHS)

Hiện nay tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang diễn biến phức tạp, trở thành một vấn nạn không chỉ riêng đối với các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Sản xuất, buôn bán hàng giả là một tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Dưới đây là phân tích về cấu thành tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

tội sản xuất, buôn bán hàng giả, vpls dương công

 

1. Mặt khách thể của tội phạm

Khách thể xâm hại của tội phạm này là hoạt động quản lý thị trường của Nhà nước đối với việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán các loại hàng hóa được phép sản xuất, kinh doanh, buôn bán, sử dụng trên thị trường, đồng thời là quyền và lợi ích hợp pháp của người sản xuất, kinh doanh hàng hóa và người tiêu dùng.

2. Mặt khách quan của tội phạm

Điều luật quy định hành vi khách quan của tội phạm này gồm 02 loại hành vi là sản xuất hàng giả và buôn bán hàng giả.

  • Hành vi sản xuất hàng giả là hành vi tạo ra các loại sản phẩm, hàng hóa giống hệt hoặc tương tự có khả năng làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn với nhãn hiệu, hàng hóa của cơ sở sản xuất, buôn bán khác đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, hoặc đã được bảo hộ theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, bao gồm việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chế tạo, chế bản, in, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái chế, lắp ráp, pha trộn, san chia, sang chiết, nạp, đóng gói và hoạt động khác làm ra hàng giả.
  • Buôn bán hàng giả là hành vi mua đi bán lại loại hàng hóa biết rõ là giả nhằm thu lời bất chính. Hành vi này bao gồm việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác đưa hàng hóa vào lưu thông.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì hàng giả bao gồm (1) Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hoá không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký; (2) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; (3) Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016; (4) Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng; (5) Hàng hoá có nhãn hàng hoá hoặc bao bì hàng hoá ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hoá; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hoá hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa; (6) Tem, nhãn, bao bì hàng hoá giả.

Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp sản xuất, buôn bán hàng giả đều bị truy tố về tội danh này. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có các tội danh riêng quy định hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194), hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi (Điều 195). Do đó, khoản 1 Điều 192 quy định loại từ đối với các hành vi thuộc phạm vi điều chỉnh của các điều luật trên.

Việc thực hiện một hoặc cả hai hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả chỉ cấu thành tội sản xuất, buôn bán hàng giả khi thuộc một trong các trường hợp sau: (1) hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30 triệu đồng trở lên; (2) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các Điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 Bộ luật Hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Để xử lý tội phạm này thì cần xác định giá trị tương đương của hàng giả so với giá trị của hàng thật trên thị trường. Trường hợp khó xác định hàng thật thì so sánh với hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng để xác định giá trị.

Hậu quả của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả gây ra là những thiệt hại vật chất và phi vật chất cho xã hội như: tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, những thiệt hại về tài sản cho xã hội và những thiệt hại khác về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu công nghiệp của các doanh nghiệp, gây thiệt hại đến lợi ích vật chất, uy tín của doanh nghiệp có sản phẩm, hàng hóa bị người sản xuất, buôn bán hàng giả gây ra.

3. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này có thể là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại đủ các điều kiện chịu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 5 Điều 175 BLDS năm 2015.

4. Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi sản xuất, buôn bán hàng giá của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vì vụ lợi nên vẫn thực hiện. Mục đích tội phạm là nhằm thu lợi bất chính và động cơ là vụ lợi.


Xem thêm:

Tội buôn lậu (Điều 188 BLHS)

Tội trộm cắp tài sản (Điều 173 Bộ luật Hình sự)

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 BLHS 2015


Lưu ý: Các thông tin, nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066 (trong giờ hành chính từ thứ Hai đến hết thứ 7 hàng tuần)
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *