Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248 BLHS)

Tội sản xuất trái phép chất ma tuý là hành vi chiết xuất chất ma tuý từ quả của cây thuốc phiện, lá, hoa, quả của cây cần sa, lá của cây co ca cũng như việc điều chế, pha chế từ tiền chất ma tuý thành chất ma tuý hoặc từ chất ma tuý này thành chất ma tuý khác trái với quy định của Nhà nước. Tội sản xuất trái phép chất ma túy bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 248 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.

  1. Căn cứ pháp lý 

Căn cứ Điều 248 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội sản xuất trái phép chất ma túy như sau:

“1. Người nào sản xuất trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;

e) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;

g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;

h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 200 mililít;

i) Tái phạm nguy hiểm;

k) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm đ đến điểm h khoản này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;

c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;

d) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;

đ) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 200 mililít đến dưới 750 mililít;

e) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm đ khoản này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;

b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;

c) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;

d) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;

đ) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm d khoản này.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

2. Dấu hiệu cấu thành tội phạm tội sản xuất trái phép chất ma túy 

2.1. Khách thể của tội phạm

Đối tượng tác động của tội phạm này là các chất ma tuý, các nguyên liệu có chứa chất ma tuý và các tiền chất ma tuý…

Khách thể của tội sản xuất trái phép chất ma tuý là chế độ quản lý của Nhà nước về việc chế xuất, điều chế, pha chế chất ma tuý. Việc sản xuất chất ma tuý dùng vào việc chữa bệnh hoặc mục đích xã hội phải được Nhà nước cho phép. Hiện nay, việc sản xuất một số chất ma tuý chủ yếu trong lĩnh vực y tế nhằm mục đích chữa bệnh dưới dạng thuốc tân dược và được quy định rất chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu quản lý, bán và sử dụng.

 

Ảnh minh họa internet

2.2. Chủ thể của tội phạm 

Chủ thể của tội phạm là người từ đủ tuổi trở lên có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

2.3. Mặt khách quan của tội phạm 

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi sản xuất trái phép chất ma túy dưới bất kì hình thức nào. Người phạm tội sản xuất trái phép chất ma tuý có thể thực hiện một hoặc một số hành vi để tạo ra chất ma tuý. Các hành vi đó là chiết xuất, điều chế…

Không coi là sản xuất trái phép chất ma tuý nếu người phạm tội chỉ pha nước với các chất ma tuý thể rắn, thể bột… thành thể lỏng để tiện việc sử dụng như: pha nước với bột heroin, pha nước với thuốc phiện để tiêm chích.

Sản xuất trái phép chất ma tuý là sản xuất không được phép của Nhà nước. Như vậy việc sản xuất ma tuý có trường hợp được Nhà nước cho phép. Hiện nay, việc sản xuất một số chất ma tuý ( chủ yếu là các chất hướng thần) trong lĩnh vực y tế nhằm mục đích chữa bệnh phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt của Luật Dược số 105/2016/QH13 ngày 06 tháng 4 năm 2016 và Thông tư 20/2017/TT-BYT ngày 10 tháng 5 năm 2017 quy định chi tiết một số điều của luật Dược và Nghị định 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ về thuốc và nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt.

Hậu quả của của hành vi sản xuất trái phép chất ma tuý là những thiệt hại đến các quy định của Nhà nước về việc sản xuất chất ma tuý. Hậu quả này có thể đã xảy ra hoặc nếu không được ngăn chặn thì sẽ xảy ra. Hậu quả của hành vi sản xuất trái phép chất ma tuý không phải là số lượng chất ma tuý được sản xuất nhiều hay ít. Tuy nhiên, nếu số lượng chất ma tuý càng nhiều thì tác hại cho xã hội càng lớn.

2.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội thực hiện hành vi sản xuất trái phép chất ma túy là do cố ý, chỉ có thể là lỗi cố ý trực tiếp. Tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình bị pháp luật cấm, thấy trước được tác hại của hành vi sản xuất trái phép chất ma túy nhưng vẫn cố tình vi phạm.

Mục đích của tội sản xuất trái phép chất ma túy có thể là để người phạm tội sử dụng ma túy hoặc để kiếm lợi nhuận từ việc sản xuất trái phép chất ma túy.


 Xem thêm:

Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249 BLHS)

Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 255 BLHS 2015)

Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 257 BLHS)


 

Lưu ý: Các thông tin, nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *