Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191 BLHS)

Hành vi tàng trữ và vận chuyển hàng cấm là một vấn đề nghiêm trọng đe dọa sự an ninh và trật tự xã hội. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn ẩn chứa những nguy cơ lớn đối với cộng đồng và xã hội. Việc hoạt động này không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng mà còn gây bất ổn trong việc duy trì trật tự an toàn công cộng. Hành vi tàng trữ và vận chuyển hàng cấm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm theo Điều 191 Bộ luật Hình sự

  1. Căn cứ pháp lý 

Căn cứ Điều 191 Bộ luật Hình sự năm 2015, bổ sung năm 2017 quy định về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm:

“1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 239, 244, 246, 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;

b) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;

c) Pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;

d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

e) Hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

d) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;

e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;

g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;

h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;

k) Vận chuyển qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;

l) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;

b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;

c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;

d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều nàythì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

Ảnh minh họa internet

2. Dấu hiệu cấu thành tội phạm tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm 

  • Khách thể của tội phạm:

–          Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý kinh tế .

–          Đối tượng tác động của tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm là các loại hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam. Cụ thể là:

+Pháo nổ các loại.

 +Các loại đồ chơi nguy hiểm.

 +Dịch vụ môi giới hôn nhân.

+Một số mặt hàng, dịch vụ được quy định trong danh mục mà Chính phủ quy định (Theo danh mục tại Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 2/6/2006 Quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện và Nghị định 43/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh của 59/2006/NĐ-CP ngày 2/6/2006 Quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện).

  • Khách quan của tội phạm:

 Thứ nhất: Dấu hiệu hành vi khách quan       

 -Tội phạm thể hiện qua các hành vi:

+Hành vi tàng trữ hàng cấm: Người phạm tội bằng hành vi cất trữ trái phép hàng cấm trong người, trong nhà hoặc bất kỳ nơi nào đó mà không kể thời gian dài hay ngắn.

+Hành vi vận chuyển hàng cấm: Người phạm tội thực hiện bằng cách đưa hàng cấm dưới bất kỳ hình thức nào từ địa điểm này đến điểm khác mà không nhằm mục đích bán.

-Các thủ đoạn thường thực hiện:

+Mở các cơ sở sản xuất trá hình, đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để cất giấu loại hàng hóa không được phép lưu thông trên thị trường.

+Thuê các cơ sở làm ăn uy tín để tàng trữ hàng cấm.

+Dùng những chiếc xe công để che đậy quá trình vận chuyển hàng cấm.

+Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trọng việc quản lý, kiểm tra, xử lý quá trình kinh doanh để che giấu hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm.

Thứ hai, dấu hiệu hậu quả của tội phạm

-Hậu quả của tội phạm tàng trữ, vận chuyển hàng cấm đó là những thiệt haị gây ra cho trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự quản lý thị trường sản xuất, kinh doanh, gây lũng đoạn thị trường trong nước dẫn đến Nhà nước không kiểm soát được hàng hóa, ảnh hưởng đến tình hình trật tự xã hội.

 -Những biểu hiện cụ thể hậu quả của tội phạm rất đa dạng. Nó có thể là số lượng hàng hóa, có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên; nó cũng có thể là số lượng tiền thu lợi bất chính lớn, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng…

 Thứ ba, dấu hiệu khách quan khác

Các dấu hiệu khách quan khác được quy định trong CTTP của tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm có thể là:

 -Những dấu hiệu định tội như: Dấu hiệu đối tượng tác động của tội phạm.

 -Cũng có thể là các dấu hiệu định khung như: Số lượng hàng hóa phạm pháp, giá trị thu lời bất chính.

 * Chủ quan của tội phạm: Người thực hiện hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm là do cố ý (cố ý trực tiếp), tức là nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, thấy trước được hậu quả của hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Không có hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm nào được thực hiện do cố ý gián tiếp.

 Mục địch của người phạm tội là thu lợi từ hoạt động tàng trữ, vận chuyển hàng cấm đó. Biểu hiện của mục đích thu lợi là người phạm tội tìm cách trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

*Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội phạm này chỉ cần là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đến độ tuổi nhất định theo quy định của pháp luật.

Chủ thể của tội này còn là pháp nhân được thành lập hợp pháp; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập; đã có hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm vào trật tự quản lý kinh tế, xâm phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý thị trường.


Xem thêm:

Tội buôn lậu (Điều 188 BLHS)

Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 189 BLHS)

Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190 BLHS)


Lưu ý: Các thông tin, nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *