Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là một cái tên đầy ý nghĩa, cho chúng ta thấy việc mang thai hộ với mục đích giúp cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, không có khả năng có con, có thể nhờ người mang thai để họ thực hiện được mong muốn có một đứa con trong đời. Tuy nhiên, việc mang thai hộ này đã biến tướng trở thành mang thai với mục đích thương mại. Vậy việc mang thai với mục đích thương mại pháp luật sẽ xử lý như thế nào? Hãy cùng VPLS Dương Công theo dõi bài viết dưới đây.
1. Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại theo quy định của BLHS năm 2015
Điều 187. Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại
1. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
2. Mang thai hộ là gì?
Theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014, mang thai hộ sẽ bao gồm: mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Trong đó:
– Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.
– Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.
(Khoản 22 và Khoản 23 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)
3. Dấu hiệu cấu thành tội phạm
3.1. Chủ thể của tội phạm:
Những người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo luật định mới là chủ thể của tội phạm. Chủ thể của tội phạm phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên vì tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại thuộc loại tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng. Theo Điều 12 Bộ luật Hình sự, người từ đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội còn người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
3.2. Khách thể của tội phạm:
Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại xâm phạm chế độ quản lý nhà nước về sinh sản bằng phương pháp kĩ thuật và tính nhân đạo của hành vi mang thai hộ trong trường hợp cặp vợ chồng bị vô sinh, hiếm muộn mong muốn có một đứa con.
3.3. Mặt chủ quan của tội phạm:
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp hoặc là lỗi cố ý gián tiếp. Lỗi cố ý trực tiếp tức là người phạm tội nhận thức rõ hậu quả của hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Lỗi cố ý gián tiếp là trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hậu quả của hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, không mong muốn hậu quả của nó xảy ra nhưng vì lợi nhuận mà để mặc hậu quả mang thai hộ xảy ra. Mục đích của tội phạm này là thương mại, kiếm lợi nhuận từ việc mang thai hộ.
3.4. Mặt khách quan của tội phạm:
Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc tổ chức cho một hay nhiều người phụ nữ mang thai cho người khác để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác. Hành vi này được thể hiện qua các dấu hiệu tìm kiếm người có nhu cầu nhờ mang thai hộ và người có thể mang thai hộ; sắp xếp để người có nhu cầu nhờ mang thai hộ quan hệ tình dục trực tiếp với người mang thai hộ hoặc sắp xếp để người mang thai hộ mang thai bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; bố trí cho người mang thai hộ nơi ăn, nghỉ, khám thai, sinh con, giao con cho người nhờ mang thai hộ… nhằm mục đích hưởng lợi về kinh tế hoặc một lợi ích khác mà chủ yếu là lợi ích vật chất như lấy tiền từ người nhờ mang thai hộ, chi phí mô giới từ người mang thai hộ…
Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi tổ chức mang thai hộ, hành vi này bao gồm nhiều hành vi khác nhau:
– Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động để thực hiện việc mang thai hộ.
– Tìm người có khả năng mang thai để thực hiện việc mang thai hộ vì mục đích thương mại và tìm các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có nhu cầu tìm người mang thai hộ.
– Chuẩn bị các điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho người thực hiện việc mang thai hộ vì mục đích thương mại có thể thuận lợi sinh đứa trẻ ra.
Trường hợp có hành vi này không vì mục đích thương mại mà vì mục đích nhân đạo thì người thực hiện hành vi tổ chức mang thai hộ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
Cấu thành tội phạm là cấu thành hình thức. Hậu quả không phải dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Hậu quả có thể là người mang thai hộ có bầu hoặc đã sinh con. Như vậy, tội phạm hoàn thành khi có hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại xảy ra.
4. Hình phạt
Điều luật quy định 02 khung hình phạt chính và 01 khung hình phạt bổ sung.
Khung hình phạt cơ bản có mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Khung hình phạt tăng nặng có mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm được quy định cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng sau:
– (Phạm tội) đối với 02 người trở lên;
– Phạm tội 02 lần trở lên;
– Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;
Tái phạm nguy hiểm.
Khung hình phạt bổ sung được quy định (có thể được áp dụng) là: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm
Xem thêm:
Tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 215 BLHS)
Hoàn thiện quy định của pháp luật về các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm
Lưu ý: Các thông tin, nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.
Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com