(LSC Channel) Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Nghị định phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai theo mô hình chính quyền hai cấp (tỉnh và xã/phường), nhằm phù hợp quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính và cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Theo Luật Đất đai 2024 (Điều 137, 138, 140), các trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ hoặc không có giấy tờ, nhưng đủ điều kiện (không vi phạm, không lấn chiếm…) đều được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đối với trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (sỏ đỏ) thuộc thẩm quyền của UBND Cấp huyện.
Ngày 22/4/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành Quyết định 1010/QĐ-BNNMT về Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện phương án xử lý liên quan đến xây dựng mô hình chính quyền 02 cấp thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Một trong những đề xuất nổi bật là giao UBND cấp xã thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (sổ đỏ). Dự thảo cũng quy định rút ngắn quy trình giải quyết thủ tục khi chuyển một số thẩm quyền từ cấp huyện về cấp xã, như: Giao đất ở cho cá nhân, cấp giấy chứng nhận lần đầu, một số bước đăng ký đất đai… Qua đó, thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và tính chủ động của chính quyền cơ sở.
Đáng chú ý, UBND cấp xã được đề xuất không cần xác nhận thêm điều kiện như sự phù hợp quy hoạch, tình trạng tranh chấp hay thời gian sử dụng đất ổn định trong một số thủ tục cấp giấy chứng nhận. Đây là những nội dung mà cấp xã đã thực hiện và được pháp luật công nhận.
Bộ cũng đề xuất làm rõ thẩm quyền của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã và cơ quan chuyên môn cấp xã trong quản lý đất đai. Tuy nhiên, với các loại đất đặc thù như ao, hồ, đầm trải dài trên nhiều xã, thì việc quản lý vẫn thuộc UBND cấp tỉnh (theo Điều 188)

Nhận định về nội dung mới của dự thảo này, Luật sư Dương Văn Công– VPLS Dương Công có đưa ra nhận định: “giao thẩm quyền cho cấp xã là bước đi đúng đắn để nâng cao vai trò chính quyền cơ sở, phát huy nguyên tắc “tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm” và phù hợp với thực tế khi mà cấp huyện không còn, nếu chuyển thẩm quyền này lên cấp tỉnh gây khó khăn cho người dân. Việc này sẽ giúp rút ngắn quy trình, giảm chi phí thời gian cho người dân, tăng hiệu quả quản lý đất đai ngay tại cơ sở. Việc đưa thẩm quyền về cấp xã sẽ giúp quá trình này trở nên gần dân, sát thực tế hơn”