Hỏi: Việc đăng ký dán nhãn năng lượng cho thiết bị được thực hiện như thế nào? Tổ chức thực hiện thử nghiệm hiệu suất năng lượng cần đáp ứng những điều kiện gì? (Anh Lâm – Hưng Yên)
Văn phòng luật sư Dương Công (Câu trả lời chỉ mang tính chất minh họa):
* Việc đăng ký dán nhãn năng lượng cho thiết bị được thực hiện như thế nào?
Dán nhãn năng lượng là việc dán, gắn, in, khắc nhãn năng lượng lên sản phẩm, bao bì, hoặc hiển thị nhãn năng lượng điện tử trên sản phẩm. Việc đăng ký dán nhãn năng lượng cho thiết bị được thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư 36/2016/TT-BCT như sau:
– Trước khi đưa phương tiện, thiết bị ra thị trường, doanh nghiệp sản xuất nhập khẩu phương tiện, thiết bị đó phải lập 01 bộ hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng và gửi về Bộ Công Thương.
– Hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng bao gồm:
+ Giấy công bố dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng, trong đó nêu rõ doanh nghiệp đăng ký dán nhãn so sánh hay nhãn xác nhận theo mẫu tại Phụ lục 1 Thông tư 36/2016/TT-BCT;
+ Kết quả thử nghiệm do tổ chức thử nghiệm cấp cho model sản phẩm;
+ Tài liệu chứng minh phòng thử nghiệm nước ngoài đã đáp ứng đủ Điều kiện (Đối với trường hợp việc thử nghiệm dán nhãn năng lượng được thực hiện bởi tổ chức thử nghiệm nước ngoài);
+ Mẫu nhãn năng lượng dự kiến.
– Doanh nghiệp đăng ký dán nhãn năng lượng được lựa chọn hình thức gửi hồ sơ qua mạng internet tại Trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương hoặc gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về Bộ Công thương. Trường hợp các hồ sơ, tài liệu tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 36/2016/TT-BCT bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch sang tiếng Việt và có công chứng.

* Việc thực hiện dán nhãn năng lượng cho thiết bị được thực hiện như thế 2025
Tại Điều 6 Thông tư 36/2016/TT-BCT quy định về việc thực hiện dán nhãn năng lượng cho thiết bị như sau:
– Sau khi nộp hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng đến Bộ Công Thương doanh nghiệp được tự thực hiện việc dán nhãn năng lượng phù hợp với thông tin trong Giấy công bố dán nhãn năng lượng cho sản phẩm đã đăng ký. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực đối với các thông tin đã công bố trong Giấy công bố dán nhãn năng lượng và thông tin hiển thị trên nhãn năng lượng.
– Nhãn năng lượng được sử dụng thống nhất theo quy định của Bộ Công Thương, hình thức, quy cách nhãn năng lượng quy định tại Phụ lục 2 Thông tư 36/2016/TT-BCT.
– Nhãn năng lượng phải có các thông tin cơ bản sau:
+ Tên nhà sản xuất/nhập khẩu đầy đủ hoặc viết tắt;
+ Mã hiệu phương tiện, thiết bị;
+ Thông tin về mức tiêu thụ năng lượng;
+ Tiêu chuẩn hoặc quy định áp dụng.
– Doanh nghiệp có quyền lựa chọn nhãn năng lượng điện tử đối với các phương tiện, thiết bị phù hợp cho việc sử dụng nhãn năng lượng điện tử hoặc sử dụng nhãn năng lượng khác để thực hiện việc dán nhãn năng lượng.
– Nhãn năng lượng có thể được thay đổi kích thước tăng, giảm theo tỉ lệ của nhãn để phù hợp với phương tiện, thiết bị nhưng không được gây nhầm lẫn, che lấp hoặc ảnh hưởng tới thông tin ghi trên nhãn hàng hóa theo quy định của pháp Luật.
* Tổ chức thực hiện thử nghiệm hiệu suất năng lượng cần đáp ứng những điều kiện gì?
Tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 36/2016/TT-BCT có quy định như sau:
“Điều 4. Thử nghiệm hiệu suất năng lượng
[…]
2. Tổ chức thử nghiệm dán nhãn năng lượng phải đáp ứng Điều kiện sau:
a) Tổ chức thử nghiệm trong nước là tổ chức thử nghiệm đáp ứng quy định tại Chương II Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về Điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp;
b) Tổ chức thử nghiệm nước ngoài là tổ chức thử nghiệm được công nhận theo Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 (hoặc tương đương) bởi các tổ chức công nhận đã ký kết thỏa ước thừa nhận lẫn nhau (ILAC hoặc APLAC).
[…]”
Như vậy, tổ chức thực hiện thử nghiệm hiệu suất năng lượng cần đáp ứng những điều kiện sau:
Thứ nhất, điều kiện đối với tổ chức thử nghiệm trong nước
Dẫn chiếu đến quy định tại quy định tại Chương 2 Nghị định 107/2016/NĐ-CP và khoản 1 Điều 3 Nghị định 154/2018/NĐ-CP thì điều kiện đối với tổ chức thử nghiệm trong nước như sau:
– Là tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật.
– Có hệ thống quản lý và năng lực hoạt động đáp ứng các yêu cầu quy định trong tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025:2007 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025:2005 hoặc tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với thử nghiệm chuyên ngành.
– Có ít nhất 04 thử nghiệm viên chính thức của tổ chức (viên chức hoặc lao động ký hợp đồng có thời hạn từ 12 tháng trở lên hoặc lao động ký hợp đồng không xác định thời hạn), được đào tạo về tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025:2007 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025:2005 hoặc tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với thử nghiệm chuyên ngành.
Trường hợp bổ sung lĩnh vực hoạt động thử nghiệm, phải có ít nhất 02 thử nghiệm viên chính thức của tổ chức (viên chức hoặc lao động ký hợp đồng có thời hạn từ 12 tháng trở lên hoặc lao động ký hợp đồng không xác định thời hạn) tương ứng với lĩnh vực thử nghiệm đăng ký bổ sung, được đào tạo về tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025:2007 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025:2005 hoặc tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với thử nghiệm chuyên ngành.
Tóm lại, tổ chức này cần phải có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Thứ hai, điều kiện đối với tổ chức thử nghiệm nước ngoài
Tổ chức thử nghiệm phải được công nhận theo Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 (hoặc tương đương) bởi các tổ chức công nhận đã ký kết thỏa ước thừa nhận lẫn nhau (ILAC hoặc APLAC).
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.
Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com
Tikok: www.tiktok.com/@lscchannel