Vướng mắc về hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Chuyển nhượng vốn góp là hoạt động thường xuyên của các công ty trách nhiệm hữu hạn. Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, thủ tục thay đổi chủ sở hữu của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên ngày càng đơn giản. Tuy nhiên, thủ tục chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đang có một số bất cập nhất định. Bài viết dưới đây, tác giả đã phân tích một số vướng mắc trong thực tiễn thực hiện pháp luật và đề xuất giải pháp khắc phục về vấn đề này.

Một số vướng mắc trong thực tiễn thực hiện pháp luật về hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

TS. Trương Vĩnh Xuân – Học viện Chính trị khu vực IV

TS. Nguyễn Đức Vinh – Trường Đại học Ngoại thương Cơ sở II, TP. Hồ Chí Minh

1. Tình huống pháp lý về chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và những vấn đề đặt ra
Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên A (sau đây gọi là công ty A) thuộc sở hữu công ty cổ phần B (sau đây gọi là công ty B). Vốn điều lệ công ty A là 40 tỷ đồng. Công ty B tiến hành chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp cho công ty TNHH một thành viên C (sau đây gọi là công ty C).
Giá trị chuyển nhượng của hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp là 30 tỷ đồng. Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp gồm hai nội dung: i) Đối tượng chuyển nhượng là vốn điều lệ, 40 tỷ đồng; ii) Giá trị chuyển nhượng phần vốn góp theo hợp đồng là 30 tỷ đồng.
Việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp làm phát sinh một số vấn đề cần nghiên cứu, trao đổi như sau:
a. Hợp đồng có hình thức như thế nào và đối tượng của hợp đồng là gì, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp hay chuyển nhượng công ty (còn gọi là mua bán công ty)?
b. Giá trị chuyển nhượng được xác định như thế nào cho hợp lý và khi thực hiện thủ tục thông báo thay đổi chủ sở hữu, giá trị vốn điều lệ sẽ được ghi như thế nào cho phù hợp với quy định của pháp luật doanh nghiệp hiện nay?
c. Trách nhiệm pháp lý của các bên như thế nào khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp như trên?
2. Một số bất cập trong việc thương thảo và thực hiện hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Trong quá trình hoạt động, thành viên góp vốn của công ty nói chung, công ty TNHH một thành viên nói riêng có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần phần vốn góp của mình cho các thành viên khác. Pháp luật quy định và tạo điều kiện cho các thành viên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Đối với thành viên là chủ sở hữu của công ty TNHH một thành viên, họ có thể chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình trong công ty cho các thành viên khác. Đó còn gọi là quyền rút vốn của thành viên công ty TNHH một thành viên[1]. Trong trường hợp rút vốn là chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp thì công ty sẽ thay đổi chủ sở hữu.
Tuy nhiên, qua quá trình soạn thảo, ký kết và thực hiện, hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp công ty TNHH một thành viên đã phát sinh một số bất cập:
2.1. Về hình thức hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 không quy định cụ thể hình thức hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp như thế nào. Nhưng trên cơ sở những quy định chung về hình thức hợp đồng, hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của công ty TNHH một thành viên sẽ được ký kết dưới hình thức “bằng lời nói, bằng văn bản hay bằng văn bản có công chứng, chứng thực hoặc bằng hành vi”. Về cơ bản, chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên có quyền tự do chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp cho người khác. Tùy vào niềm tin của các bên trong quan hệ pháp luật chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp mà hình thức hợp đồng sẽ được thể hiện cho phù hợp.
Việc xác định hình thức hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp gắn liền với việc chứng minh thực tế đã có việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp giữa các bên chuyển nhượng. Đối với hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp bằng văn bản hoặc bằng văn bản có công chứng, chứng thực thì đã thể hiện rõ ràng cho minh chứng chuyển nhượng. Tuy nhiên, đối với hợp đồng bằng lời nói và bằng hành vi cụ thể thì việc minh chứng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nếu hình thức hợp đồng chuyển nhượng vốn góp được thực hiện qua mạng xã hội[2] thì sự bất cập và không rõ ràng lại càng không thuận lợi khi có tranh chấp giữa các bên đối với hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp. Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp thể hiện thông qua hành vi cũng có nhiều khó khăn khi xác định nội dung hợp đồng như hợp đồng bằng lời nói.
Theo quy định hiện nay, minh chứng cho việc chuyển nhượng có rất nhiều cách: đệ trình một hợp đồng bằng văn bản (và nếu có yêu cầu, cơ quan công chứng có thể công chứng việc chuyển nhượng của các bên), giấy chứng nhận bàn giao hoặc chuyển khoản thanh toán tiền chuyển nhượng và có ghi thông tin việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, một vi bằng thể hiện việc chuyển nhượng của các bên… Trong từng trường hợp, rủi ro phát sinh trong hoạt động chuyển nhượng có thể gặp phải cũng khác nhau. Điều 26 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP[3] quy định, minh chứng cho việc chuyển nhượng là “hợp đồng chuyển nhượng hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng trong trường hợp chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp” đã rõ ràng. Việc quy định hoặc “hợp đồng chuyển nhượng”, hoặc “giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng” đã thể hiện quan điểm là bằng văn bản hoặc thông qua lời nói hoặc một hành vi cụ thể (được minh chứng). Từ “hoặc” cho thấy, các bên chỉ cần một trong hai nội dung là đã minh chứng rõ ràng việc chuyển nhượng. Trong thực tế, một số cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu vừa hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp, vừa phải chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng. Việc minh chứng vừa bằng văn bản, vừa minh chứng hành vi chuyển nhượng đã gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên.
2.2. Về đối tượng hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Trong hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của công ty TNHH một thành viên, đối tượng hợp đồng được xác định là “vốn điều lệ” hay “công ty”. Nhiều hợp đồng chuyển nhượng ghi hai nội dung: (i) Đối tượng chuyển nhượng là vốn điều lệ, 40 tỷ đồng; (ii) Giá trị chuyển nhượng phần vốn góp theo hợp đồng là 30 tỷ đồng. Cuối cùng, đối tượng thực của hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp là vốn điều lệ 40 tỷ đồng hay chuyển nhượng công ty.
Khi chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ, công ty TNHH một thành viên sẽ đăng ký thay đổi chủ sở hữu công ty cho phù hợp. Công ty sẽ giữ nguyên loại hình công ty và họ sẽ trở thành chủ sở hữu công ty. Chủ sở hữu mới của công ty sẽ “chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty”[4].
Bản thân “vốn điều lệ” có được xác định một loại tài sản để chuyển nhượng không? Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản[5]. Chắc chắc, vốn điều lệ không thể là vật và không thể là quyền tài sản với cách hiểu “quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”[6]. Trường hợp là giấy tờ có giá, Luật Ngân hàng nhà nước năm 2010 định nghĩa, giấy tờ có giá “là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”[7]. Các văn bản hướng dẫn[8] như Công văn số 141/TANDTC-KHXX ngày 21/9/2011[9], Nghị định số 11/2012/NĐ-CP[10] và sự không quy định giấy tờ có giá của Nghị định số 21/2021/NĐ-CP[11] đã cho thấy, giấy tờ có giá cũng không bao gồm “vốn điều lệ”. Vậy có nên xác định đối tượng hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp là “vốn điều lệ”?
Ngược lại, nếu vốn điều lệ không phải là đối tượng chuyển nhượng của hợp đồng (do liên quan đến vấn đề trách nhiệm…). Từ vấn đề trách nhiệm của chủ sở hữu theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, chủ sở hữu công ty phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty. Hợp đồng sẽ dẫn tới công ty “có sao chuyển nhượng vậy” (bao gồm cả quyền lợi và trách nhiệm như hiện trạng đang có). Việc đó cho thấy, đối tượng của hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp trong trường hợp chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của công ty TNHH một thành viên dường như tương đồng với hợp đồng mua bán/chuyển nhượng công ty. Trường hợp này căn cứ vào quan điểm xác định công ty là một khối tài sản (một sản nghiệp[12]). Một công ty với tư cách là một hội đoàn, một tổ chức có một tài sản là sản nghiệp như một đặc tính của công ty[13] cho hoạt động của mình. Khi nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp là bao gồm trong đó tài sản có và tài sản nợ của công ty. Tất nhiên là những tài sản có và tài sản nợ của công ty phải đảm bảo tính hợp pháp.
Như vậy, đối tượng của hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của công ty TNHH một thành viên là “vốn điều lệ” hay “công ty”? Tên hợp đồng sẽ là “hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp” hay “hợp đồng chuyển nhượng công ty”? Việc xác định đối tượng hợp đồng rất quan trọng, sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý khác nhau khi xác định đối tượng khác nhau của hợp đồng chuyển nhượng công ty TNHH một thành viên. Tuy nhiên, vấn đề này lại chưa được quy định rõ ràng trong pháp luật hiện hành về hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp.
2.3.Về xác định giá trị chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp
Gắn liền với xác định đối tượng hợp đồng là giá trị chuyển nhượng do các bên thỏa thuận. Giả sử “vốn điều lệ” công ty là được phép chuyển nhượng, đối tượng hợp đồng sẽ ghi “Công ty B chuyển nhượng cho công ty C toàn bộ vốn điều lệ công ty B là 40 tỷ đồng (bốn mươi tỷ đồng)”. Các bên sẽ thanh toán là 40 tỷ đồng hay thanh toán theo một thỏa thuận khác. Nếu thanh toán theo thỏa thuận khác: chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ 40 tỷ đồng nhưng giá trị chuyển nhượng là 30 tỷ đồng. Cách ghi như trên sẽ không hợp lý (như phân tích trên). Và nếu giả sử điều đó được chấp thuận, khi thực hiện thông báo thay đổi chủ sở hữu, vốn điều lệ của công ty giữ nguyên “40 tỷ đồng” hay phải làm thủ tục thay đổi vốn điều lệ từ 40 tỷ đồng thành “30 tỷ đồng” theo giá trị chuyển nhượng. Hiện nay, một số phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời không chính thức là vốn điều lệ không cần thay đổi, vẫn ghi là 40 tỷ đồng.
Trong trường hợp trên, nếu gọi đối tượng hợp đồng là “vốn điều lệ” 40 tỷ đồng và giá trị chuyển nhượng là 30 tỷ đồng thì chúng tại nhận thấy, một giá trị tiền tệ lại có giá bằng một giá trị tiền tệ khác; hơn nữa, “vốn điều lệ” không được xác định là một tài sản để chuyển nhượng. Đây là điều chưa hợp lý.
2.4.Về trách nhiệm của chủ sở hữu đối với công ty
Với quy định pháp luật hiện nay, chủ sở hữu công ty sẽ “chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty”[14]. Nội dung này có hai vấn đề đặt ra:
Một là, tính trách nhiệm của chủ sở hữu công ty đặt ra là trong phạm vi số vốn điều lệ công ty, nhưng trên thực tế giá trị chuyển nhượng không đồng thời đúng bằng vốn điều lệ công ty thì việc chịu trách nhiệm như thế nào, trong phạm vi 30 tỷ đồng hay trong phạm vi 40 tỷ đồng.
Trong tình huống trên, nếu giữ nguyên vốn điều lệ khi đăng ký thì chủ sở hữu mới phải chịu trách nhiệm các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi 40 tỷ đồng và khả năng đồng thuận của chủ sở hữu công ty là thế nào. Nếu đặt ra tình huống, giá trị chuyển nhượng không phải là 30 tỷ đồng mà là 5 tỷ đồng thì với độ chênh lệch giữa giá trị vốn điều lệ với giá trị chuyển nhượng sẽ thiệt hại rất lớn cho chủ sở hữu mới và trong trường hợp này, sự đồng thuận của chủ sở hữu mới so với quy định pháp luật lại càng khó.
Tình huống không mong muốn, chẳng may công ty sau khi được chuyển nhượng phải thực hiện các thủ tục phá sản, tài sản công ty nhỏ hơn vốn điều lệ 40 tỷ đồng, giá trị tài sản thấp hơn 10 tỷ đồng thì các nghĩa vụ tài sản của công ty sẽ được xác định ra sao. Theo cách hiểu của pháp luật “trong phạm vi số vốn điều lệ” hay là trong “phạm vi số tài sản còn lại của công ty”.
Hai là, cũng trong tình huống trên, nếu chủ sở hữu mới tiếp quản công ty và phát hiện hai vấn đề: i) nhiều hợp đồng thương mại (như hợp đồng vay, hợp đồng mua bán nguyên liệu…) người có thẩm quyền đã ký kết hợp đồng không đúng thẩm quyền, không thể hiện trong hợp đồng giấy ủy quyền của người có thẩm quyền; ii) chủ sở hữu mới phát hiện một trong các tài sản của công ty bị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an yêu cầu cấm chuyển dịch tài sản đó nhằm phục vụ công tác điều tra một vụ án hình sự, dẫn đến chủ sở hữu công ty mới không thể đăng ký biến động tài sản.
Trong quan hệ pháp luật kinh tế – dân sự, sự thỏa thuận của các bên thường được pháp luật tôn trọng và ưu tiên. Tuy nhiên, những thỏa thuận đó phải không được vi phạm điều cấm của luật và trái đạo đức xã hội. Trách nhiệm của các chủ thể khi phát hiện những hành vi không hợp pháp, hành vi trái pháp luật là phải thông báo cơ quan có thẩm quyền. Thông thường, điều khoản bảo đảm trong hợp đồng sẽ thể hiện tính hợp pháp của tài sản khi chuyển nhượng của bên bán đối với bên mua. Do vậy, trong trường hợp thứ nhất, nếu xét thấy việc tham gia các quan hệ pháp luật của người có thẩm quyền trong công ty nhưng không đúng thẩm quyền theo pháp luật hoặc theo điều lệ công ty, chủ sở hữu mới phải có trách nhiệm thông báo đến cơ quan có thẩm quyền, nếu vi phạm pháp luật hình sự phải tố giác, tin báo về tội phạm cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Đó vừa là trách nhiệm của công dân, vừa là bảo vệ quyền lợi của bên nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp công ty.
Khi thực hiện việc đăng ký biến động đối với tài sản (ví dụ là bất động sản….), chủ sở hữu mới mới được cơ quan có thẩm quyền thông báo tài sản đó không được chuyển dịch, thay đổi tư cách chủ thể của tài sản. Bên chuyển nhượng sẽ chịu trách nhiệm như thế nào, có vi phạm pháp luật hình sự không? Họ đã che giấu thông tin về tài sản, cam kết tính hợp pháp của tài sản nhằm tạo lòng tin cho người nhận chuyển nhượng để thực hiện việc chuyển nhượng và nhận tiền.
2.5.Về thủ tục thay đổi chủ sở hữu công ty
Gắn liền với việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, doanh nghiệp phải thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Pháp luật không quy định cụ thể bên chuyển nhượng hoặc bên nhận chuyển nhượng thực hiện đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Trên tinh thần tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, các bên có thể thỏa thuận bên chuyển nhượng hoặc bên nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp phải thực hiện các thủ tục cần thiết để thông báo thay đổi chủ sở hữu công ty ở cơ quan nhà nước có thẩm quyền[15]. Trách nhiệm của các bên chuyển nhượng là chứng minh cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đã xảy ra hoạt động chuyển nhượng hoặc hoàn tất việc chuyển nhượng.
Theo Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, thành phần hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp gồm:
1/ Thông báo thay đổi chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên (kèm theo thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật, được mẫu hóa ở Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT[16]);
2/ Giấy tờ pháp lý của tổ chức làm chủ sở hữu (tình huống trên);
3/ Bản sao điều lệ sửa đổi, bổ sung;
4/ Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp hoặc giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng phần vốn góp.
Tuy nhiên, để thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung doanh nghiệp, người đăng ký phải bổ sung văn bản xác nhận về việc tổ chức là chủ sở hữu mới cử hoặc bổ nhiệm những người đại diện thành viên Hội đồng thành viên hoặc người đại diện chủ sở hữu làm giám đốc công ty, những giấy tờ tùy thân của những chủ thể đó. Riêng việc ban hành văn bản với tên gọi nào (Quyết định, thông báo… hay loại khác), “cử” hay “bổ nhiệm”… đã tạo điều kiện cho cơ quan đăng ký kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ cần yêu cầu thay đổi từ cử sang bổ nhiệm, thay đổi loại hình văn bản đã tốn thời gian khoảng hơn 6 ngày đối với doanh nghiệp. Do đăng ký trực tuyến nên hết thời hạn, cơ quan đăng ký kinh doanh trả lời, chờ hoàn thiện, nộp lại, chờ có ý kiến, hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc được chấp nhận đã mất rất nhiều thời gian cho doanh nghiệp.
Trong trường hợp hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp có điều khoản thanh toán và chia thành nhiều đợt thanh toán, cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp phải thanh toán đủ (100% giá trị hợp đồng – chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng) thì mới cho đăng ký. Nếu muốn đăng ký thay đổi, các bên lựa chọn minh chứng là hợp đồng chuyển nhượng thì hợp đồng phải không thể hiện nội dung các đợt thanh toán trong điều khoản thanh toán, gây khó khăn cho doanh nghiệp hoặc phải có thanh lý hợp đồng. Điều này là hoàn toàn vô lý, các bên thỏa thuận việc thanh toán trong chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp là quyền của doanh nghiệp, người kinh doanh và việc thanh toán đủ trước đăng ký doanh nghiệp hoặc sau đăng ký doanh nghiệp là quyền của bên bán và bên mua. Nếu giá trị chuyển nhượng không phải là vài trăm triệu mà vài chục tỷ, trăm tỷ hoặc nghìn tỷ thì không một bên nhận chuyển nhượng nào đồng ý thanh toán đủ mà chưa đăng ký doanh nghiệp. Rủi ro số tiền thanh toán trở thành khoản nợ khó đòi rất cao, nếu trong thời gian chưa đăng ký thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp xong, doanh nghiệp đang bị chuyển nhượng bị yêu cầu tuyên bố phá sản thì rủi ro của bên nhận chuyển nhượng càng lớn. Chúng ta phải tôn trọng sự thỏa thuận của các bên và nên xác định việc trả chậm sau đăng ký doanh nghiệp là sự đồng ý của bên chuyển nhượng cho bên nhận chuyển nhượng.
3. Một số kiến nghị
Trên cơ sở những bất cập của tình huống trên, pháp luật về doanh nghiệp và đăng ký thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp cần hoàn thiện các nội dung sau:
Một là, pháp luật cần xác định đối tượng của hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của công ty TNHH một thành viên đồng thời là hợp đồng chuyển nhượng công ty. Bên nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp sẽ kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của công ty TNHH một thành viên kể từ thời điểm cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không phải từ thời điểm hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực. Pháp luật cũng cần xác định rõ, người nhận chuyển nhượng công ty chỉ phải kế thừa những quyền và nghĩa vụ hợp pháp của doanh nghiệp. Dù các bên có thỏa thuận thế nào, các quyền và nghĩa vụ không hợp pháp của công ty cũng phải được thông tin, tố giác hoặc báo cáo đến cơ quan có thẩm quyền.
Từ quan điểm đó cho thấy, tên gọi hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp công ty TNHH một thành viên là “hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp công ty TNHH một thành viên” hay “hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ công ty/hợp đồng chuyển nhượng công ty TNHH một thành viên” là có nghĩa như nhau. Khi xác định hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp công ty TNHH một thành viên là chuyển nhượng công ty sẽ phù hợp với giá trị chuyển nhượng công ty.
Về vốn điều lệ công ty sau khi được chuyển nhượng, pháp luật nên quy định vốn điều lệ công ty sẽ được cập nhật và thay đổi cho phù hợp với giá trị chuyển nhượng công ty. Bởi chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài sản trong phạm vi số vốn điều lệ công ty.
Hai là, hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp là sự thỏa thuận của các bên. Chỉ cần các bên chuyển nhượng chứng minh bằng hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp/hợp đồng chuyển nhượng công ty hoặc bằng một minh chứng đã có hành vi chuyển nhượng (trường hợp đối với hợp đồng bằng hành vi hoặc bằng lời nói), cơ quan đăng ký kinh doanh phải đồng ý hồ sơ đăng ký thay đổi chủ sở hữu công ty. Cơ quan đăng ký kinh doanh không được viện dẫn điều khoản thanh toán, bổ sung các hồ sơ minh chứng khác ngoài hướng dẫn của Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT để gây khó khăn cho doanh nghiệp trong đăng ký thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp. Những mẫu hóa đã được công bố trong văn bản pháp luật phải được doanh nghiệp tuân thủ, có tính chất bắt buộc nhưng những minh chứng không mẫu hóa thì tùy theo doanh nghiệp, chỉ cần thể hiện được nội dung minh chứng.
Ba là, nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về đăng ký doanh nghiệp nói chung, đăng ký thay đổi chủ sở hữu đối với công ty TNHH một thành viên nói riêng:
Thứ nhất, các cơ quan có trách nhiệm trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là Sở Kế hoạch và Đầu tư cần có cuộc khảo sát (có tính chất nhận thông tin phản hồi) từ doanh nghiệp để đánh giá lại tính minh bạch và tính hỗ trợ của các cơ quan nhà nước trong việc đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Thứ hai, cơ sở hạ tầng cho việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến cần được quan tâm trong đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cần tăng cường và tôn trọng tính tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, tránh hai trường hợp: (i) cán bộ đăng ký kinh doanh chờ đến hến hạn mới thông tin trả lời, trường hợp trả lời nhanh hơn thời hạn quy định nên khuyến khích trong đánh giá cán bộ, công chức; (ii) khi yêu cầu điều chỉnh hồ sơ, phải xác định nội dung trọng tâm cần sửa, không nên sửa những từ ngữ “vô thưởng, vô phạt” và doanh nghiệp lại thực hiện các thủ tục trực tuyến lại từ đầu, vừa mất thời gian, vừa mất công sức.
Tóm lại, việc minh bạch đối tượng hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, giá trị chuyển nhượng và những minh chứng cho đăng ký thay đổi chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên sẽ góp phần tạo điều kiện cho thị trường chuyển nhượng vốn góp nói chung, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của công ty TNHH một thành viên ngày càng thuận lợi.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu lập pháp


Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com
Tiktok: tiktok.com/@lscchannel

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *