Telegram được xây dựng với một hệ thống giao tiếp vô cùng an toàn, tập trung vào quyền riêng tư, với nhiều tính năng nổi trội hơn so với các ứng dụng khác, người dùng ngày càng dịch chuyển dần sang Telegram. Tuy nhiên, người dùng tăng lên, đi kèm theo đó là tỉ lệ tội phạm lợi dụng nền tảng này để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng đang có chiều hướng gia tăng.
1. Telegram là gì?
Telegram là ứng dụng dùng để nhắn tin, gọi điện video, chia sẻ file đa nền tảng miễn phí có tính bảo mật cao. Đây là một dịch vụ nhắn tin tức thời miễn phí, đa nền tảng, mã hóa. Ứng dụng này cũng cung cấp các cuộc trò chuyện được mã hóa đầu cuối, thường được gọi là trò chuyện bí mật và gọi điện video, VoIP, chia sẻ tệp và một số tính năng khác.
Tuy nhiên, chính bởi nền tảng này cho phép tạo các hội nhóm số lượng lớn thành viên hoàn toàn miễn phí, nội dung trên Telegram không bị kiểm duyệt, tin nhắn mã hoá đầu cuối, người gửi có thể xoá lịch sử trò chuyện 2 chiều dẫn đến các loại hình tội phạm lừa đảo diễn ra một cách công khai. Các chuyên gia an ninh mạng cho biết, sự xuất hiện của tiền mã hoá cũng là một trong những lý do để các tội phạm mạng chọn Telegram để hoạt động. Đối tượng chỉ cần viết ra một con bot để bán hàng, mọi thứ đều được thực hiện tự động. Người dùng muốn mua các dữ liệu cá nhân hay các phần mềm phát tán mã độc, chỉ cần gõ các dòng lệnh là hoạt động mua bán sẽ diễn ra. Bên cạnh đó, các giao dịch này được trả bằng tiền mã hoá như Bitcoin hay USDT, nên việc để tìm ra các đối tượng này đối với các cơ quan chức năng là một điều vô cùng khó.
2. Trách nhiệm hành chính với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua Telegram
Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, xã hội và một số lĩnh vực khác quy định như sau:
“Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
…
c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả
…”
Như vậy, đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác thông qua Telegram có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản.
Lưu ý, mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với cá nhân có hành vi vi phạm, trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền của tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
3. Trách nhiệm hình sự với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua Telegram
Người nào lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua Telegram có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), cụ thể:
“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Như vậy, người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua Telegram có thể phải đối diện với các hình phạt nêu trên tùy vào tính chất, mức độ vi phạm.
Xem thêm:
Tội chiếm giữ trái phép tài sản (Điều 176 BLHS)
Tội trộm cắp tài sản (Điều 173 Bộ luật Hình sự)
Lưu ý: Các thông tin, nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.
Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com