Không có kháng cáo vẫn được giảm án

(LSC) Trong những ngày vừa qua, trước thông tin bà Nguyễn Phương Hằng được Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tuyên giảm án từ 3 năm xuống còn 2 năm 9 tháng tù dù không có kháng cáo như các trang báo chí đưa tin, dư luận đã đưa ra nhiều thắc mắc về tính hợp pháp của quyết định này.

(Nguồn ảnh: Báo Thanh niên)

Cụ thể, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 21/9/2023, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phương Hằng 3 năm tù; bị cáo Đặng Anh Quân (tiến sĩ luật) 2 năm 6 tháng tù; bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi (trợ lý của bà Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (nhân viên Công ty CP Đại Nam), Huỳnh Công Tân (trưởng phòng Truyền thông Công ty CP Đại Nam), mỗi bị cáo 18 tháng tù. Cả 5 bị cáo cùng bị tuyên phạm vào tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Sau phiên tòa sơ thẩm, Viện kiểm sát nhân dân không kháng nghị, bị cáo Nguyễn Phương Hằng không kháng cáo, các bị cáo khác kháng cáo.

Ngày 4/4/2024, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm đã quyết định sửa bản án sơ thẩm; chấp nhận toàn bộ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 4 bị cáo; chấp nhận đề nghị xin giảm nhẹ hình phạt tại tòa của bị cáo Nguyễn Phương Hằng dù trước đó bị cáo Hằng không có đơn kháng cáo về hình phạt. Hội đồng xét xử quyết định tuyên mức án 2 năm 9 tháng tù đối với bị cáo Hằng, bị cáo Quân 2 năm tù, Nhi, Hà Tân cùng mức án 1 năm tù về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Về lý do bị cáo Nguyễn Phương Hằng được tuyên giảm án, theo các trang báo đưa tin:

Báo bảo vệ pháp luật: “Đối với bị cáo Nguyễn Phương Hằng mặc dù không có kháng cáo nhưng bị cáo rất hối hận về hành vi của mình, đã nộp toàn bộ số tiền bồi thường. Do đó có cơ sở giảm nhẹ cho bị cáo.” (1)

Báo Thanh niên: “Lý do bị cáo Nguyễn Phương Hằng được xem xét giảm án là do có tình tiết giảm nhẹ mới. Theo đó, trong phần tranh luận, luật sư Hồ Nguyên Lễ (người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Phương Hằng trong phiên tòa sơ thẩm) cho biết bị cáo Nguyễn Phương Hằng đã tác động gia đình nộp toàn bộ số tiền 26,5 triệu đồng để khắc phục hậu quả vụ án và phí xét xử sơ thẩm. Tình tiết này được quy định trong điều 357 bộ luật Hình sự 2015 và được HĐXX chấp thuận làm cơ sở giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Nguyễn Phương Hằng.” (2)

Liên quan đến việc bị cáo không kháng cáo nhưng vẫn được tuyên giảm án, VPLS có ý kiến như sau:

Khoản 1, khoản 3 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định như sau:

“Điều 357. Sửa bản án sơ thẩm

1. Khi có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm như sau:

a) Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo; không áp dụng hình phạt bổ sung; không áp dụng biện pháp tư pháp;

b) Áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn;

c) Giảm hình phạt cho bị cáo;

d) Giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng;

đ) Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn;

e) Giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho hưởng án treo.

3. Trường hợp có căn cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể sửa bản án sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều này cho những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị.”

Theo quy định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền xem xét giảm hình phạt cho những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị. Vì lý do nhân đạo, công bằng cũng như để kịp thời khắc phục những sai sót của bản án sơ thẩm, pháp luật tố tụng hình sự cho phép Tòa án cấp phúc thẩm, khi có căn cứ, được quyền sửa phần nội dung của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị. Quy định này tương thích với quy định về phạm vi xét xử phúc thẩm tại Điều 345 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: “Nếu xét thấy cần thiết, có thể xem xét các phần khác của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị”. Trước đây theo Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 08/12/1988 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự (mục 4 Phần VI) thì “trường hợp cần thiết là trường hợp ở phần không bị kháng cáo hoặc kháng nghị có điểm cần được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo”.

Tuy nhiên, xét về nguyên tắc của tố tụng hình sự và thẩm quyền xét xử của tòa án, quy định trên chưa thực sự hợp lý. Bởi:

“Điều 339. Hậu quả của việc kháng cáo, kháng nghị

Những phần của bản án, quyết định của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị thì chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 363 của Bộ luật này. Khi có kháng cáo, kháng nghị đối với toàn bộ bản án, quyết định thì toàn bộ bản án, quyết định chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 363 của Bộ luật này.”

“Điều 330. Tính chất của xét xử phúc thẩm

1. Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị.”

Theo quy định trên, thẩm quyền của Tòa án cấp phúc thẩm bị phụ thuộc vào phạm vi kháng cáo, kháng nghị. Những phần của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị sẽ có hiệu lực thi hành ngay sau khi hết thời hạn thời hạn kháng cáo, kháng nghị sẽ không được Hội đồng xét xử xem xét vì đó không phải là đối tượng của xét xử phúc thẩm. Nếu như phát hiện sai sót ở phần này thì phải được khắc phục ở giai đoạn giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Điều này cũng phù hợp với nguyên tắc “Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm” (Điều 27 Bộ luật Tố tụng hình sự), nguyên tắc “Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án” (Điều 28 Bộ luật Tố tụng hình sự).

Như vậy, pháp luật tố tụng hình sự hiện hành đang tồn tại những quy định chưa tương thích, cần được sửa đổi cho hợp lý hơn để thể hiện đúng thẩm quyền xét xử của các cấp tòa án.


(1) Nguyễn Phương Hằng được giảm 3 tháng tù, xuống còn 2 năm 9 tháng tù

(2) Vì sao bà Nguyễn Phương Hằng không kháng cáo vẫn được giảm án?


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *