Nguyên đơn chết thì vụ án có được tiếp tục xét xử không?

Hỏi: Cho tôi hỏi, bố tôi là nguyên đơn trong vụ án tranh chấp đất đai, nhưng không may bố tôi gặp tai nạn và không qua khỏi được, thì vụ án tranh chấp đất đai của bố tôi có được tiếp tục xét xử không? (Anh Hướng – Lào Cai)

VPLS Dương Công trả lời (Câu trả lời chỉ mang tính chất minh họa):

Căn cứ theo Điểm a Khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự như sau:

“1. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:

a) Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;

…..”

Đồng thời tại Khoản 1 Điều 74 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:

“Điều 74. Kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng 

1.Trường hợp đương sự là cá nhân tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng

….”

Theo đó, trường hợp nguyên đơn hoặc bị đơn chết nhưng chưa xác định được người kế thừa quyền và nghĩa vụ của họ, cụ thể là người thừa kế thì tòa án sẽ tạm đình chỉ giải quyết vụ án cho đến khi xác định được người thừa kế thì người này sẽ tham gia tố tụng thay cho người đã chết.

Trường hợp nguyên đơn hoặc bị đơn chết nhưng không có người kế thừa quyền và nghĩa vụ của họ thì tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Như vậy, trong trường hợp của bố anh là nguyên đơn trong vụ án tranh chấp đất đai và có người thừa kế quyền, nghĩa vụ về tài sản thì người thừa kế của bố anh sẽ tham gia vụ án. Tòa án sẽ tạm đình chỉ giải quyết vụ án cho đến khi xác định được người thừa kế tham gia tố tụng thay cho người chết. 

Ảnh minh họa internet

Căn cứ Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hàng thừa kế:

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Do đó, đầu tiên phải xác định những người thừa kế của bố anh là ai, và gồm những ai. Trường hợp bố anh không có người thừa kế hàng thứ nhất mới xét tới hàng thừa kế thứ hai, thứ ba.

Sau khi xác định được những người thừa kế của bố anh, trường hợp bố anh có nhiều người thừa kế, thì các đồng thừa kế phải làm văn bản ủy quyền cho 1 người, đại diện thực hiện tham gia tố tụng.

Khi đã xác định được người thừa kế tham gia tố tụng, Tòa án sẽ tiến hành tiếp tục giải quyết vụ án tranh chấp đất đai của bố anh.


Xem thêm:

Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 BLHS)

Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản 


Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *