Đăng ký kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Doanh nghiệp hiện nay được phép kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, một số ngành, nghề phải có điều kiện thì mới được đầu tư kinh doanh. Vậy muốn kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cần phải đáp ứng yêu cầu gì? VPLS Dương Công mời Qúy bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

(LSC) Đăng ký kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

1. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là gì?

Theo khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư 2020, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020.

Hiện nay, Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và các điều kiện đầu tư kinh doanh tương ứng được công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại đường dẫn sau: 

https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/Pages/Nganhnghedautukinhdoanh.aspx.

Các tổ chức, cá nhân đều có thể thuận tiện tra cứu các quy định có liên quan theo từng lĩnh vực mình quan tâm.

(nguồn: Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp)

2. Đăng ký kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với cơ quan đăng ký kinh doanh

Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định về việc tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải cung cấp các tài liệu chứng minh đủ điều kiện kinh doanh khi nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Khi đăng ký kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tổ chức, cá nhân ghi ngành nghề kinh doanh theo Điều 7 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. Trong đó, khoản 3 Điều 7 Nghị định này quy định: “Đối với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó”.

3. Một số lưu ý khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Như đã nêu trên, sau khi nắm bắt được thông tin về ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện đầu tư kinh doanh và đảm bảo duy trì đủ các điều kiện đầu tư kinh doanh này trong suốt quá trình kinh doanh theo quy định (khoản 1 Điều 8 Luật Doanh nghiệp).

Việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành (khoản 8 Điều 7 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP). Do vậy, tổ chức, cá nhân thực hiện trình tự, thủ tục hành chính với cơ quan có thẩm quyền để được cấp Giấy phép; Giấy chứng nhận; Chứng chỉ; Văn bản xác nhận, chấp thuận. Trường hợp các điều kiện đầu tư kinh doanh là yêu cầu khác phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền thì tổ chức, cá nhân nghiên cứu, thực hiện, duy trì đủ các yêu cầu nêu trên mà không phải xin phép cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tổ chức, cá nhân thực hiện trình tự, thủ tục tạm ngừng kinh doanh với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Ví dụ: Công ty chứng khoán đã được cấp phép, thực hiện thủ tục tạm ngừng hoạt động chứng khoán theo quy định tại Điều 209 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Khi chấm dứt kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, tổ chức, cá nhân thực hiện trình tự, thủ tục chấm dứt kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Đồng thời, thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh về việc thông báo sửa đổi, bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh theo quy định. Ví dụ: Doanh nghiệp được cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản tiến hành thủ tục trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản, chấm dứt hoạt động thăm dò khoáng sản theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 58 Luật Khoáng sản và thông báo về việc thay đổi ngành, nghề kinh doanh gửi Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh theo quy định của Nghị định số 01/2021/NĐ-CP.

Đọc thêm:


Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com
Tikok: www.tiktok.com/@lscchannel

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *