Luật Doanh nghiệp năm 2020 dù có những quy định phòng ngừa việc định giá tài sản của nhà đầu tư không đúng giá trị thực tế nhưng thực tiễn thực thi các quy định trên đã bộc lộ nhiều hạn chế, chưa giải quyết được tình trạng doanh nghiệp đăng ký vốn ảo trong nền kinh tế thời gian qua, đặc biệt là việc định giá tài sản thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ, các tài sản là quyền sử dụng đất. Bài viết dưới đây tác giả phân tích một số khía cạnh pháp lý liên quan đến việc định giá tài sản góp vốn của nhà đầu tư vào doanh nghiệp, từ đó đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật có liên quan.

Định giá tài sản góp vốn vào doanh nghiệp và những vấn đề pháp lý đặt ra
TS. Trần Huỳnh Thanh Nghị, Nguyễn Thị Anh, Nguyễn Ngọc Trâm Anh
Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh
1. Luật Doanh nghiệp năm 2020 – Hành lang pháp lý trong bảo đảm tính thực chất của định giá tài sản góp vốn vào doanh nghiệp
Luận bàn đến góp vốn của nhà đầu tư vào công ty, có quan điểm cho rằng, khi tham gia công ty thì vốn góp của nhà đầu tư sẽ được thể hiện trong tài khoản vốn hoặc vốn chủ sở hữu và một mục tương ứng trong tài khoản tài sản của công ty sẽ hiển thị số tiền bằng số vốn góp như một tài sản của công ty. Dưới góc độ khoa học pháp lý, khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 (LDN 2020) định nghĩa: góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập. Hiểu theo quy định trên, việc đăng ký góp vốn của nhà đầu tư vào doanh nghiệp được thực hiện ở một trong hai giai đoạn: Thứ nhất, nhà đầu tư đăng ký góp vốn để thành lập công ty, đây là hoạt động đầu tư trực tiếp của nhà đầu tư nhằm hướng đến việc quản lý chi phối công ty. Thứ hai, nhà đầu tư đăng ký góp vốn vào công ty đã thành lập nhằm thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp hoặc trực tiếp sau này.
Mặc dù việc góp vốn của nhà đầu tư có thể được thực hiện ở một trong hai giai đoạn nêu trên, song tất cả đều có điểm chung là phải tuân thủ quy định tại Điều 34 LDN 2020. Theo luật định, tài sản của nhà đầu tư góp vốn vào công ty có tính đa dạng, có thể bằng Đồng Việt Nam (VND), ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng VND. Như vậy, phạm vi tài sản góp vốn vào doanh nghiệp của nhà đầu tư khá rộng, có thể là tài sản hữu hình và tài sản vô hình, kể cả các dạng thức tài sản khác miễn sao có thể định giá được bằng VND là hợp pháp. Do tính đa dạng của chủng loại tài sản góp vốn vào doanh nghiệp cho nên hệ quả phát sinh những vấn đề pháp lý phức tạp về định giá tài sản góp vốn là điều khó tránh khỏi.
Về mặt pháp lý, không phải tài sản nào của nhà đầu tư góp vốn vào doanh nghiệp đều phải được định giá. Điều 36 LDN 2020 cho phép tài sản góp vốn bằng VND, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng là những tài sản có thể dễ dàng xác định được giá cụ thể nên nhà đầu tư không phải thực hiện việc định giá. Ngược lại, đối với các tài sản khác không phải là VND, ngoại tệ tự do chuyển đổi và vàng thì nhà đầu tư phải thực hiện việc định giá trị cụ thể của những tài sản này. Chủ thể định giá được xác định bởi các thành viên, cổ đông sáng lập của công ty hoặc do tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp thực hiện. Tất cả giá trị tài sản góp vốn vào doanh nghiệp khi định giá đều phải được thể hiện bằng VND.
Về thời điểm định giá và các nguyên tắc định giá, LDN 2020 xác định tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận. Như vậy, LDN 2020 đã trao quyền tự chủ cho nhà đầu tư thực hiện việc xác định giá trị tài sản của họ khi góp vốn thành lập doanh nghiệp, nếu họ không tự thực hiện được việc định giá thì có thể thuê doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện. Song, dù cho chủ thể nào định giá đi chăng nữa thì việc định giá tài sản phải được thực hiện theo nguyên tắc đúng với giá trị của nó tại thời điểm kết thúc định giá.
Trao quyền tự chủ cho nhà đầu tư, song LDN 2020 cũng quy trách nhiệm pháp lý cho nhà đầu tư nếu họ lạm dụng quyền này để định giá tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp không đúng giá trị thực tế gây rủi ro cho đối tác khi giao dịch, ảnh hưởng tiêu cực đến quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Do đó, nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá, đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
Đối với tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động thì sẽ do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do doanh nghiệp thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Tuy nhiên, nếu do doanh nghiệp thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và chủ sở hữu, Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận.
Và một khi tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá, đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
Bên cạnh LDN 2020 với các chế tài buộc nhà đầu tư định giá “ảo” tài sản góp vốn vào doanh nghiệp phải liên đới chịu trách nhiệm dân sự nếu có thiệt hại trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp về sau, Nghị định số 122/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 28/12/2021 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư cũng xác định mức phạt từ 30 đến 50 triệu đồng đối với hành vi của nhà đầu tư khi họ cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.
Tóm lại, LDN 2020 đã xác định cụ thể về đối tượng tài sản cần phải được định giá, chủ thể định giá tài sản, thời điểm định giá tài sản, trách nhiệm dân sự có liên quan của nhà đầu tư một khi định giá tài sản góp vốn thành lập và trong quá trình hoạt động doanh nghiệp không đúng giá trị thực tế. Việc luật hóa các vấn đề quan trọng trên là cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư, bảo đảm tính xác thực của tài sản góp vốn vào doanh nghiệp đúng với giá trị thực của chúng, qua đó hạn chế các khuyết tật phát sinh từ sự thông thoáng của thủ tục và điều kiện gia nhập thị trường của doanh nghiệp trong nền kinh tế.
2. Những vấn đề pháp lý đặt ra từ việc định giá tài sản góp vốn vào doanh nghiệp
Trong gần bốn năm thực thi LDN 2020, các quy định liên quan đến định giá tài sản góp vốn của nhà đầu tư vào doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả điều chỉnh đáng kể, góp phần hạn chế phần nào các tác động tiêu cực từ việc định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thực cho xã hội và hoạt động quản lý nhà nước. Song, thực tiễn cũng cho thấy, các quy định trên tại LDN 2020 đã bộc lộ hàng loạt các vướng mắc, chưa khắc phục triệt để tình trạng vốn “ảo” của doanh nghiệp trong nền kinh tế, điều này được thể hiện ở một số phương diện cơ bản sau:
– Thứ nhất, LDN 2020 trao cho nhà đầu tư quyền tự định giá tài sản góp vốn vào doanh nghiệp quá lớn, có thể dẫn đến rủi ro cho xã hội.
LDN 2020 cũng như nhiều đạo luật doanh nghiệp trước đó được ban hành trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới. Quyền tự do kinh doanh và quyền tự chủ trong kinh doanh của doanh nghiệp được mở rộng phạm vi hơn bao giờ hết. Danh mục ngành nghề kinh doanh phải có vốn tối thiểu khi thành lập doanh nghiệp được luật hóa hạn chế số lượng ở mức thấp nhất, chủ yếu chỉ áp dụng trong các lĩnh vực như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bán hàng đa cấp, kinh doanh vàng miếng. Phần lớn các ngành nghề kinh doanh còn lại thì nhà đầu tư sẽ tự đăng ký vốn khi thành lập. Đối với các nhà đầu tư không chân chính, họ có thể lợi dụng quy định thông thoáng tại LDN 2020 để định giá khống tài sản, đặc biệt là với tài sản mà giá trị của chúng khó có sự định lượng thống nhất trên thực tế như quyền sử dụng đất. Bởi lẽ, tại Việt Nam, giá đất luôn là vấn đề “nhạy cảm” và được xã hội quan tâm. Giá đất có thể biểu hiện ở các trạng thái khác nhau. Ngoài ra, vấn đề định giá tài sản vô hình như quyền sở hữu trí tuệ cũng dễ phát sinh tiêu cực, do chưa có các tiêu chí cụ thể, rõ ràng theo luật định để xác định giá trị chính xác của loại tài sản trí thức này. Trong khi hiện tại, LDN 2020 hoàn toàn bỏ ngỏ cho nhà đầu tư tự quyết định giá trị tài sản vô hình, đó là một kẽ hở của LDN 2020. Thậm chí, nếu các thành viên, cổ đông sáng lập lựa chọn định giá tài sản góp vốn thông qua tổ chức thẩm định giá thì cũng khó khả thi về xác định giá trị thực, đặc biệt là tài sản góp vốn là quyền sở hữu trí tuệ. Bởi nguyên nhân suy cho cùng kết quả định giá của tổ chức thẩm định giá vẫn phụ thuộc vào quyết định của trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập.
Thực tế, số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2023 đã chỉ ra con số doanh nghiệp thành lập mới đã chạm ngưỡng 159.294 doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022. Cùng với đó, số vốn mà nhà đầu tư đăng ký thành lập đạt 1.521.259 tỷ đồng[6]. Tính trung bình số vốn đăng ký của doanh nghiệp khi thành lập là 9,55 tỷ đồng/doanh nghiệp. Với số vốn đăng ký gần 10 tỷ đồng cho một doanh nghiệp trên, chúng ta cũng chưa thống kê được có bao nhiêu doanh nghiệp mà số vốn được hình thành từ việc nhà đầu tư góp vốn bằng tài sản phải được định giá và họ được tự định giá theo quy định của LDN 2020. Bởi vì chưa có chủ thể độc lập nào kiểm chứng lại giá trị tài sản mà họ đã định giá khi thành lập doanh nghiệp. Do đó, khó có thể xác định số vốn đăng ký trên của doanh nghiệp là thực hay “ảo” trong nền kinh tế.
– Thứ hai, cơ chế tăng vốn thoáng, thiếu hậu kiểm, tạo cơ hội cho việc thông đồng, thỏa thuận định giá khống tài sản.
Theo khoản 3 Điều 36 LDN 2020, tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp sẽ do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và chủ sở hữu, Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận. Với quy định trên, Nhà nước trao quyền cho nhà đầu tư và doanh nghiệp tự thỏa thuận định giá tài sản góp vốn. Một khi tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế. Song, xét về nội dung của điều luật trên thì có thể dễ dàng nhận thấy, các nhà lập pháp đã không có cơ chế dự phòng hậu kiểm cho thực thi quy định trên.
Chẳng hạn, trong vụ án tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh. Theo công bố, khi khởi sự thành lập công ty này vào thời điểm năm 2016, các cổ đông sáng lập khác chỉ đăng ký vốn điều lệ cho Công ty này có 1 tỷ đồng, nhưng đến năm 2017, vốn điều lệ của Công ty này đã tăng lên đến 1.600 tỷ đồng. Và đến thời điểm năm 2019, vốn điều lệ của Công ty lại tăng lên đến con số 5.600 tỷ. Đối tượng của tài sản góp vốn của các nhà đầu tư tham gia doanh nghiệp này chủ yếu bằng quyền sử dụng đất và các nhà đầu tư này cũng chính là các nhân vật lãnh đạo chủ chốt của công ty tham gia vào việc thỏa thuận định giá các tài sản này với chính bản thân họ. Vì vậy, dẫn đến hệ quả họ thỏa thuận định giá khống tài sản góp vốn vào Công ty Alibaba với con số quá khủng như trên. Rõ ràng, ở đây LDN 2020 đã giao quyền tự chủ hoàn toàn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư tự quyết định việc định giá tài sản trong quá trình tăng vốn điều lệ về sau, trong khi cơ chế hậu kiểm hoàn toàn bỏ ngỏ. Hạn chế này đã gián tiếp tạo ra trong nền kinh tế một số lượng không nhỏ các doanh nghiệp có quy mô vốn “ảo” lớn, được thành lập để làm “quân xanh”, “quân đỏ” tham gia đấu thầu, đấu giá, thực hiện các dự án “ma”, các giao dịch phi pháp khác. Nguyên nhân có thể xuất phát từ sự thông thoáng trong quy định của pháp luật doanh nghiệp trao quyền tự chủ cho nhà đầu tư quyết định giá trị tài sản khi góp vốn thành lập và trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
– Thứ ba, chế tài áp dụng để xử lý hành vi vi phạm trong định giá tài sản góp vốn vào doanh nghiệp còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Theo khoản 3 Điều 46 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 28/12/2021 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, nếu nhà đầu tư có hành vi cố ý định giá tài sản không đúng giá trị thì sẽ bị xử phạt tiền ở mức từ 30 đến 50 triệu đồng. Thiết nghĩ, mức phạt tiền trên khá thấp nếu đặt trong bối cảnh kinh tế – xã hội hiện tại, chưa tương xứng với mức độ hậu quả của hành vi vi phạm gây ra cho xã hội, chưa đủ sức răn đe đối với hành vi vi phạm của nhà đầu tư. Chính vì vậy, qua thực thi LDN 2020, kể cả các đạo luật đã ban hành trước đó, dù các mức phạt tiền trong xử lý vi phạm hành chính được quy định chặt chẽ trong các nghị định của Chính phủ nhưng vẫn chưa thực sự cảnh tỉnh, góp phần phòng ngừa các hành vi vi phạm về định giá trị tài sản của nhà đầu tư khi họ đăng ký vốn, điều chỉnh vốn điều lệ của doanh nghiệp trong quá trình thành lập và hoạt động. Mức phạt quá thấp dễ bị nhà đầu tư bỏ qua, chưa có tác động lớn đến ý thức tuân thủ pháp luật của nhà đầu tư khi họ định giá tài sản khi góp vốn vào doanh nghiệp. Điều này vô hình trung gián tiếp đưa đến việc hình thành hàng loạt các doanh nghiệp mà việc đăng ký vốn, điều chỉnh vốn điều lệ của doanh nghiệp tăng nhưng không đúng với giá trị thực chất của chúng, gây nhiều rủi ro cho xã hội.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về định giá tài sản góp vốn vào doanh nghiệp
Trên cơ sở phân tích các hạn chế của pháp luật về định giá tài sản góp vốn vào doanh nghiệp và để khắc phục các hạn chế trên, các tác giả đề xuất một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, luật hóa việc góp vốn bằng tài sản không phải là tiền, vàng, ngoại tệ đều phải được doanh nghiệp thẩm định giá định giá và phát hành chứng thư theo quy định tại Luật Giá năm 2023, nhằm bảo đảm tính xác thực của giá trị tài sản góp vốn vào doanh nghiệp.
Trong quan hệ thương mại, việc tham gia ký kết hợp đồng, trong quá trình thành lập và hoạt động của doanh nghiệp tồn tại ở hai giai đoạn chính là trước khi thành lập doanh nghiệp và sau khi thành lập doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là trong việc định giá tài sản góp vốn vào doanh nghiệp thì các nhà làm luật luôn cho phép các nhà đầu tư, kể cả doanh nghiệp ký kết các hợp đồng với các doanh nghiệp thẩm định giá để xác định giá trị chính xác của tài sản mà nhà đầu tư góp vào doanh nghiệp tại thời điểm thành lập doanh nghiệp hoặc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, LDN 2020 duy trì hai cơ chế định giá tài sản góp vốn vào doanh nghiệp, đó là thuê doanh nghiệp thẩm định giá chuyên nghiệp định giá hoặc để nhà đầu tư tự thỏa thuận việc định giá tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp, miễn sao tất cả tài sản đó không phải là tiền, vàng, ngoại tệ. Còn trong quá trình hoạt động thì phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa nhà đầu tư với công ty hoặc thuê doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện. Trải qua nhiều năm thực thi LDN 2014 và LDN 2020, thực tiễn đã chỉ ra rằng, quy định trên bộc lộ nhiều hạn chế, vì suy cho cùng, ý chí chủ quan của nhà đầu tư là mang tính quyết định, còn kết quả chứng thư thẩm định giá của doanh nghiệp chỉ là kênh thông tin để họ tham khảo. Để khắc phục hạn chế này, Nhà nước cần loại bỏ việc cho phép các nhà đầu tư tự định giá tài sản, thay vào đó, bổ sung quy định bắt buộc các tài sản thuộc diện phải định giá thì phải do doanh nghiệp thẩm định giá chuyên nghiệp thực hiện. Đề xuất này dựa trên hai luận chứng quan trọng: Một là, theo quy định tại Luật Giá năm 2023, để hành nghề thẩm định giá thì nhà đầu tư phải tuân thủ điều kiện, quy trình khai sinh ra doanh nghiệp thẩm định giá rất chặt chẽ, với các tiêu chí cao về số lượng thẩm định viên về giá có đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp có đầy đủ phẩm chất tốt về đạo đức hành nghề, kinh nghiệm lẫn chuyên môn đã được kiểm định, có phương pháp thẩm định giá, quy trình thẩm định giá cụ thể, có mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp… được quy định tại Luật Giá năm 2023. Ngay cả chế độ công khai thông tin về nhân sự thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá đều phải được thực hiện trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá. Do đó, các sai sót về chuyên môn trong thẩm định giá có thể được hạn chế ở mức tối thiểu. Hai là, kết quả của hoạt động thẩm định giá được thể hiện dưới hình thức chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá. Đây là căn cứ có thể định lượng để quy trách nhiệm cho chủ thể cụ thể trong việc thẩm định giá tài sản góp vốn vào doanh nghiệp một khi có sự chênh lệch giữa con số được ghi trong chứng thư thẩm định giá và giá trị tài sản phát sinh trên thực tế, qua đó, tạo được niềm tin cho xã hội, cho Nhà nước trong xác định tính xác thực của giá trị doanh nghiệp, giá trị tài sản của doanh nghiệp đến từ sự góp vốn bằng các tài sản trí tuệ, tài sản là quyền sử dụng đất… Đối chiếu với quy định tại LDN 2020, việc cho phép nhà đầu tư phần lớn không có chuyên môn chuyên sâu trong lĩnh vực thẩm định giá, không có phương pháp định giá, không có quy trình định giá cụ thể… được tự thực hiện xác định giá trị của quyền sử dụng đất, kể cả các tài sản phức tạp như quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp tại đạo luật này là không phù hợp, không bảo đảm được tính xác thực, tính độc lập, trung thực của giá trị tài sản mà họ tự định giá.
Vì vậy, việc loại bỏ quyền tự tham gia vào việc xác định giá trị tài sản của thành viên công ty/cổ đông công ty mà thay bằng cơ chế duy nhất do doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện sẽ bảo đảm được tính khách quan, trung thực của kết quả định giá tài sản góp vốn vào doanh nghiệp khi thành lập lẫn trong quá trình doanh nghiệp hoạt động về sau.
Thứ hai, xây dựng cơ chế hậu kiểm việc xác định giá trị tài sản góp vốn vào doanh nghiệp, tiến tới luật hóa việc góp vốn thành lập doanh nghiệp của cá nhân, tổ chức đều phải qua tài khoản ngân hàng.
Chuyển đổi số hoặc bị bỏ lại phía sau, đó là vấn đề quan trọng mang tính sống còn của Việt Nam để quản lý doanh nghiệp trong thời đại số hiện nay. Để phòng ngừa tình trạng nhà đầu tư, kể cả doanh nghiệp thẩm định giá là những chủ thể được trao quyền năng xác định giá trị tài sản của nhà đầu tư khi góp vốn vào doanh nghiệp một khi họ lạm quyền dẫn đến xác định sai lệch giá trị tài sản góp vốn, chúng tôi cho rằng, trong tương lai gần Việt Nam phải xây dựng được Cơ sở dữ liệu về năng lực tài chính của doanh nghiệp khi thành lập và hoạt động có liên kết với đa lĩnh vực quản lý khác như năng lực tài chính trong đấu thầu, đấu giá tài sản, thực hiện dự án bất động sản, trong kê khai nộp thuế, trong chứng minh vốn tối thiểu của doanh nghiệp trong một số ngành nghề luật định. Tính liên thông trong kết nối thông tin tài chính của doanh nghiệp là rất hữu ích nhằm phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong việc định giá tài sản góp vốn vào doanh nghiệp. Chẳng hạn, nếu nhà đầu tư xác định giá trị tài sản góp vốn vào doanh nghiệp bằng quyền sử dụng đất, công trình xây dựng, quyền sở hữu trí tuệ có quy mô tài chính lên đến hàng trăm tỷ, nghìn tỷ đồng nhưng doanh số kê khai nộp thuế chỉ phát sinh có vài ba triệu đồng thì cơ quan quản lý nhà nước có thể dễ dàng đánh giá tính xác thực của việc định giá tài sản góp vốn vào doanh nghiệp là thực hay ảo, trên cơ sở đó có thể áp dụng các biện pháp chấn chỉnh, xử lý hành vi vi phạm của nhà đầu tư một cách thuyết phục. Có thể nói, chuyển đổi số, kết nối thông tin liên thông trong quản lý doanh nghiệp là yêu cầu cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay để nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với nền kinh tế.
Hoàn thiện các quy định về hình thức thanh toán tiền góp vốn vào doanh nghiệp cũng là yếu tố quan trọng để hạn chế tình trạng “vốn ảo” của doanh nghiệp. Hiện tại, LDN 2020 cho phép nhà đầu tư có quyền lựa chọn chủng loại tài sản khác nhau để đưa vào doanh nghiệp nhằm phục vụ mục đích kinh doanh của mình. Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 222/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 31/12/2013 về thanh toán bằng tiền mặt cũng chỉ yêu cầu các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp. Quy định trên phù hợp với bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ và được ứng dụng trong đa lĩnh vực của nền kinh tế. Song, lại không đề cập đến nghĩa vụ của nhà đầu tư cá nhân thanh toán tiền góp vốn vào doanh nghiệp phải qua ngân hàng nhằm giúp Nhà nước kiểm soát dòng tiền góp vốn của họ tại doanh nghiệp. Để khắc phục các hạn chế này, chúng tôi kiến nghị trong thời gian tới cần luật hóa bổ sung chủ thể nhà đầu tư cá nhân góp vốn bằng VND phải thông qua tổ chức tín dụng như hiện đang áp dụng đối với nhà đầu tư tổ chức theo quy định tại Nghị định 222/2013/NĐ-CP. Thiết nghĩ, sửa đổi quy định trên là cần thiết phù hợp với thực tại phát triển công nghệ số tại Việt Nam, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, phù hợp với chính sách thanh toán phi tiền mặt của Nhà nước Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Thứ ba, gia tăng mức phạt tiền đối với hành vi của nhà đầu tư định giá tài sản góp vốn vào doanh nghiệp không đúng thực tế.
Hiện tại, từ ngày 01/01/2022, theo quy định tại Nghị định số 122/2021/NĐ-CP thì mức xử phạt đối với hành vi cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thực tế chỉ dao động ở mức từ 30 đến 50 triệu đồng. Mức phạt này dù đã được điều chỉnh nâng lên so với quy định cũ tại Nghị định số 50/2016/NĐ-CP chỉ bị xử phạt ở mức từ 20-30 triệu đồng. Tuy nhiên, mức phạt tiền vi phạm hành chính đối với hành vi định giá tài sản góp vốn vào doanh nghiệp không đúng giá trị thực tế chỉ từ 30 đến 50 triệu đồng là quá thấp, chưa đủ sức răn đe đối với nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp định giá khống tài sản gấp hàng trăm, hàng nghìn lần so với giá trị tài sản thực tế, để lại nhiều hậu quả nặng nề về mặt tài chính cho xã hội.Do đó, trong thời gian tới cần tiếp tục sửa đổi Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư theo hướng tăng mức xử phạt đối với hành vi định giá tài sản góp vốn vào doanh nghiệp không đúng giá trị thực tế lên gấp 2-4 lần so với quy định hiện hành tại Nghị định số 122/2021/NĐ-CP.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần bổ sung quy định về biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với doanh nghiệp thẩm định giá khi doanh nghiệp này phát hành chứng thư thẩm định giá tài sản góp vốn vào doanh nghiệp không đúng giá trị thực tế. Trước đây, theo Điều 19 Nghị định số 89/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 06/08/2013 để quy định chi tiết thi hành Luật Giá năm 2012 về thẩm định giá, nếu doanh nghiệp thẩm định giá làm sai lệch hồ sơ tài sản thẩm định giá hoặc sai lệch thông tin liên quan đến tài sản thẩm định giá dẫn đến kết quả thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá cao hơn hoặc thấp hơn 10% đối với tài sản là bất động sản, thiết bị, phương tiện vận tải, 15% đối với tài sản là vật tư, hàng hóa so với kết quả thẩm định giá cuối cùng của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thì sẽ bị đình chỉ kinh doanh. Hiện tại, Nghị định số 89/2013/NĐ-CP đã hết hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2024 sau khi Luật Giá năm 2023 chính thức có hiệu lực, nhưng chúng tôi cho rằng, việc tiếp tục duy trì chế tài như quy định tại Nghị định số 89/2013/NĐ-CP là cần thiết nhằm bảo đảm sự trung thực, khách quan trong kết quả thẩm định giá của doanh nghiệp khi họ thẩm định giá trị tài sản góp vốn vào doanh nghiệp nói riêng và các lĩnh vực khác trong nền kinh tế nói chung.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
Xem thêm:
Những loại tài sản có thể góp vốn vào công ty
Pháp luật về góp vốn bằng tài sản vào doanh nghiệp
Thủ tục góp vốn bằng tài sản là đất đai hoặc ô tô vào công ty
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.
Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com
Tiktok: tiktok.com/@lscchannel