Hợp đồng vay tài sản dưới góc nhìn từ người đi vay – Một số bất cập và kiến nghị

(LSC) Hợp đồng vay tài sản là một phương thức quan trọng trong lĩnh vực tài chính và dân sự, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn cho các cá nhân và tổ chức. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, hợp đồng này không tránh khỏi những bất cập và hạn chế gây ảnh hưởng đến người đi vay. Điều này đặt ra một vấn đề quan trọng về việc bảo vệ quyền lợi của người vay trong hợp đồng vay tài sản. Bài viết dưới đây của ThS Ngô Thị Thanh Tâm – Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phân tích về hợp đồng vay tài sản và làm rõ hơn về một số bất cập còn tồn tại.

HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN DƯỚI GÓC NHÌN TỪ NGƯỜI ĐI VAY – MỘT SỐ BẤT CẬP VÀ KIẾN NGHỊ

ThS. Ngô Thị Thanh Tâm

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội 

1. Đặt vấn đề

Hợp đồng vay tài sản là một loại quan hệ dân sự có đặc trưng là sự bình đẳng, thỏa thuận giữa các chủ thể giao kết. Điều này có nghĩa là, người vay và người đi vay bình đẳng về địa vị pháp lý, có quyền và nghĩa vụ ngang nhau, được tự do thỏa thuận, giao kết trong khuôn khổ pháp luật. Tuy nhiên, sự bình đẳng này thường không tuyệt đối, vì xét đến cùng thì người đi vay vẫn là chủ thể yếu thế hơn người cho vay. Để đạt được mục đích vay, người đi vay ít nhiều thường phải nhượng bộ trước yêu cầu do bên cho vay đặt ra. Trong nhiều trường hợp, người cho vay đưa ra các điều kiện quá cao (ví dụ như lãi suất…) gây bất lợi cho bên vay nhưng họ vẫn phải chấp nhận để đạt được mục đích. Do vậy, việc xem xét các quy định của pháp luật về hợp đồng vay để bảo vệ tốt hơn quyền lợi chính đáng của người vay mà vẫn bảo đảm lợi ích hợp pháp của người cho vay là một vấn đề cần thiết và chính đáng.

Trong bài viết này, tác giả tập trung làm rõ một số bất cập trong hợp đồng vay tài sản nhìn từ góc độ của người đi vay, từ đó đề xuất một số giải pháp khắc phục các bất cập đó.

hợp đồng vay tài sản
Ảnh minh họa

2. Khái quát về hợp đồng vay tài sản

2.1. Khái niệm

Hợp đồng là thuật ngữ pháp lý chỉ các giao dịch dân sự thông qua việc thỏa thuận để chuyển giao các lợi ích giữa các cá nhân, tổ chức với nhau trong lĩnh vực luật tư. Về mặt pháp lý, Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi, chấm quyền, nghĩa vụ dân sự”. Như vậy, hợp đồng được hiểu là một sự thỏa thuận của hai hay nhiều bên nhằm thực hiện một quyền hay nghĩa vụ nào đó nhằm hướng đến đạt được mục đích của mình khi tham gia giao dịch.

Theo Từ điển Tiếng Việt, “vay” là hoạt động nhận tiền hay vật gì của người khác để chi dùng trước với điều kiện sẽ trả tương đương hoặc có thêm phần lãi. Dưới góc độ tín dụng, cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi (khoản 16 Điều 4 Luật Các tổ chức tính dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017). Dưới góc độ dân sự, theo Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, tập II của Trường Đại học Luật Hà Nội, thì hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, bên cho vay giao cho bên vay một số tiền hoặc tài sản để làm sở hữu. Hết hạn của hợp đồng, bên vay có nghĩa vụ trả cho bên kia số tiền hoặc hiện vật tương đương với tiền hoặc vật đã vay, đồng thời trả thêm một số lợi ích vật chất nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định.

Trên cơ sở các quan điểm trên, có thể hiểu, hợp đồng vay tài sản là hợp đồng dân sự thông dụng, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay, khi đến hạn trả cho bên cho vay thì bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định[1].

2.2. Đặc điểm của hợp đồng vay tài sản

Thứ nhất, đối tượng của hợp đồng vay tài sản phải là các động sản. Bộ luật Dân sự năm 2015 không trực tiếp quy định cụ thể về đối tượng của hợp đồng vay tài sản. Tuy nhiên đối tượng của hợp đồng vay tài sản được xác định từ đặc điểm, tính chất của loại hợp đồng này. Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “… Khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả lại cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng…”. Đây là một trong những đặc điểm pháp lý quan trọng nhất của hợp đồng vay tài sản. Theo đó, số lượng và chất lượng của tài sản là hai vấn đề rất quan trọng. Do đó, chỉ có những tài sản có thể thay thế được bằng một tài sản khác cùng loại mới đủ điều kiện đem cho vay vì với loại tài sản này, các bên mới có thực hiện các hành vi giao nhận đối với nhau. Tuy nhiên, không phải động sản nào cũng có thể trở thành đối tượng của hợp đồng vay tài sản, ngoài các điều kiện chung về tính hợp pháp, động sản là đối tượng của hợp đồng này chỉ có thể là một khoản tiền hoặc vật cùng loại. Như vậy, các loại vật khác như vật đặc định (tranh ảnh, cổ vật…) và vật không tiêu hao (nhà ở, máy móc, trang thiết bị…) không thể là đối tượng của hợp đồng vay tài sản, chúng chỉ có thể là đối tượng của hợp đồng thuê hoặc hợp đồng mượn tài sản. Một đặc thù của hợp đồng vay là người vay tài sản sẽ xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vay, bên vay có quyền chi phối tài sản vay với tư cách chủ sở hữu và chỉ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn của hợp đồng.

Thứ hai, hợp đồng vay tài sản là một loại giao dịch dân sự nên có thể được thực hiện dưới các hình thức như lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể. Việc lựa chọn hình thức hợp đồng do các bên thỏa thuận, thống nhất. Trong thực tiễn, hợp đồng bằng lời nói, bằng hành vi cụ thể thường được áp dụng trong những trường hợp cho vay không lớn hoặc giữa các bên có mối quan hệ thân quen. Tuy nhiên, trường hợp nếu hợp đồng cho vay xảy ra tranh chấp thì rất khó xác định quyền và nghĩa vụ của các bên vì không có sở sở pháp lý. Do vậy, hình thức hợp đồng bằng văn bản là lựa chọn an toàn cho các chủ thể. Các bên có thể tự lập văn bản hoặc yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận văn bản đó.

Thứ ba, hợp đồng vay tài sản là một loại hợp đồng chuyển quyền sở hữu. Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó. Về nguyên tắc, xuất phát từ quyền sở hữu, bên vay có toàn quyền chiếm hữu sử dụng định đoạt tài sản vay. Đây là sự khác biệt của hợp đồng vay với các loại hợp đồng khác. Tuy nhiên, quyền của người vay cũng có sự hạn chế nhất định khi Điều 467 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định các bên có thể thỏa thuận về việc tài sản vay phải được sử dụng đúng mục đích vay. Bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích. Việc sử dụng, định đoạt tài sản vay của bên vay phải đúng mục đích vay nếu các bên đã thỏa thuận hoặc có các hạn chế khác đối với bên vay.

Thứ tư, về thời điểm chuyển giao rủi ro. Về nguyên tắc, ai là chủ sở hữu tài sản thì phải gánh chịu rủi ro đối với tài sản của mình. Do đó, việc xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu trong các hợp đồng có chuyển quyền sở hữu nói chung và trong hợp đồng vay tài sản nói riêng rất quan trọng, vì nó liên quan đến thời điểm chịu rủi ro có thể xảy ra. Các bên có thể thỏa thuận cụ thể về thời điểm chịu rủi ro đối với tài sản trọng hợp đồng vay. Nếu không có thỏa thuận thì khi bên vay tài sản nhận tài sản vay có nghĩa là bên vay đã có quyền sở hữu tài sản vay đó, vì vậy bên vay phải chịu rủi ro đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của mình.

2. Bất cập của pháp luật về hợp đồng vay tài sản từ góc nhìn của người vay

Thứ nhất, về hình thức hợp đồng vay tài sản: Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó”. Nhìn từ thực tiễn, hợp đồng vay giao kết bằng lời nói thường phổ biến hơn các hình thức khác (bằng văn bản, bằng hàng vi). Việc lựa chọn hình thức của hợp đồng vay do các bên tự định đoạt bởi pháp luật chưa quy định hình thức bắt buộc đối với loại hợp đồng này. Với hợp đồng giao kết bằng lời nói, các nội dung thỏa thuận giữa người vay và người cho vay không có cơ sở pháp lý để xác minh khi cần thiết. Vì vậy, việc phát sinh các tranh chấp từ loại hợp đồng này dễ xảy ra và khó xử lý.

Thứ hai, về giao kết hợp đồng vay với chủ thể là doanh nghiệp: Chủ thể tham gia giao kết hợp đồng vay tài sản bao gồm bên cho vay và bên vay. Trường hợp bên vay muốn vay tiền từ doanh nghiệp thì thường gặp sự băn khoăn, lúng túng từ doanh nghiệp và từ phía công chứng (nếu hợp đồng thực hiện công chứng). Doanh nghiệp không chắc chắn liệu hoạt động cho vay có hợp pháp không dù biết rằng doanh nghiệp có quyền kinh doanh mọi ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Điều 3 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định, đối với doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và có thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, bán ngoại tệ thì thu nhập này được xác định là thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở và phải chịu thuế thu nhập phát sinh từ việc cho vay vốn đó. Tuy nhiên, pháp luật quy định doanh nghiệp chỉ được phép kinh doanh những ngành, nghề đã được ghi nhận trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Cho vay cũng là một ngành, nghề kinh doanh và thường là nghề kinh doanh mang tính độc quyền của ngân hàng cũng như các tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Do vậy, doanh nghiệp không đăng ký ngành, nghề kinh doanh này thì liệu có được phép thực hiện? Hiện nay chưa có cơ sở pháp lý quy định một cách cụ thể và trực tiếp thể hiện việc cấm hay cho phép chủ thể là doanh nghiệp được thực hiện hoạt động cho vay vốn mà các cách hiểu nêu trên là dựa vào một số văn bản quy phạm pháp luật quy định một cách gián tiếp. Điều này đã gây ra không ít vướng mắc, khó khăn cho người đi vay khi vay từ chủ thể là doanh nghiệp và ngay cả khi doanh nghiệp đã đồng ý thì khi hợp đồng được công chứng cũng gặp phải sự lúng túng từ phía công chứng viên.

Thứ ba, về việc xác định tài sản là ngoại tệ có thể trở thành đối tượng của hợp đồng vay tài sản: Tiền là một trong những đối tượng chủ yếu trong các hợp đồng vay tài sản. Tài sản là “tiền” được hiểu là nội tệ và ngoại tệ đang có giá trị lưu hành. “Tiền” cũng là một loại tài sản phổ biến nhất trong đối tượng của hợp đồng vay tài sản bởi một đặc điểm pháp lý quan trọng của hợp đồng vay tài sản là “… khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả lại cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng…” (Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015). Tuy nhiên, theo quy định của Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), ngoại tệ được xác định là một loại ngoại hối bị hạn chế sử dụng và không thể trở thành đối tượng của hợp đồng vay tài sản. Điều 22 Pháp lệnh này quy định: “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.

Như vậy, quy định của Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) chưa thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về đối tượng trong hợp đồng vay là ngoại tệ. Trong khi đó, việc vay ngoại tệ ngày càng phổ biến và trở thành nhu cầu thực sự của người dân. Trong nhiều trường hợp, việc vay và cho vay bằng ngoại tệ mang đến lợi ích cho các bên chủ thể. Sự giới hạn này của pháp luật ngoại hối làm cho người sở hữu tài sản là ngoại tệ không thai thác được đầy đủ lợi ích chính đáng từ tài sản mà mình sở hữu hợp pháp, đồng thời ảnh hưởng đến lợi ích của người đi vay trong việc giao kết hợp đồng.

Thứ tư, về lãi suất vay trong hợp đồng vay tài sản: Lãi suất là vấn đề các chủ thể trong hợp đồng quan tâm nhất khi giao kết, đặc biệt từ phía người đi vay bởi nó có ảnh hưởng lớn đối với lợi ích của họ. Theo Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng vay được chia thành hai loại là vay có lãi và vay không có lãi. Vay không lãi xảy ra khi các bên trong hợp đồng vay tài sản không thoả thuận. Vay có lãi xảy ra khi các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về lãi suất vay. Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định về thời điểm thoả thuận và hình thức thoả thuận lãi suất. Người vay có thể thoả thuận về lãi suất trước, trong hay sau thời điểm giao kết hợp đồng hay không? Hình thức thoả thuận theo hình thức của hợp đồng vay hay phải bằng văn bản? Việc áp dụng lãi suất sẽ tính từ thời điểm giao nhận tiền hay từ thời điểm thỏa thuận về lãi suất vay có hiệu lực?

Trên thực tế, đối tượng của hợp đồng vay tài sản không chỉ có tiền mà còn nhiều loại tài sản khác. Hiện nay, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định mức lãi suất tối đa mà các bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng vay tài sản có đối tượng không phải là “tiền”. Vậy, người vay tài sản không phải là “tiền” thì có phải trả lãi không? Nếu có thì người vay và người cho vay sẽ thỏa thuận về lãi suất trong loại hợp đồng này dựa trên cơ sở pháp lý nào? Nếu các bên tự thỏa thuận lãi suất không ấn định mức lãi suất cụ thể, bất biến trong hợp đồng thì có thể xác lập giao dịch được không? Các tổ chức hành nghề công chứng có tiếp nhận để giải quyết yêu cầu công chứng cho các bên không?

Ngoài ra, việc tính lãi chậm trả trong hợp đồng vay tài sản là vàng còn những vướng mắc nhất định, áp dụng chưa thống nhất trên thực tiễn. Lãi chậm trả hay còn gọi là tiền lãi chậm trả là khoản tiền lãi phát sinh mà bên vay/mượn phải trả cho bên cho vay khi đến hạn mà bên vay không trả được nợ hoặc trả không đầy đủ hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Số tiền lãi chậm trả này sẽ được tính trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Các hợp đồng vay với đối tượng là vàng rất phổ biến trong cuộc sống hiện nay. Trong trường hợp người vay vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi trong hợp đồng vay có đối tượng là vàng và thỏa thuận lãi suất trả bằng vàng thì việc tính lãi chậm trả trong trường hợp này chưa có quy định rõ ràng. Khoản 4, khoản 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định lãi suất này trước hết sẽ do các bên tự thỏa thuận. Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được về vấn đề lãi suất chậm trả thì lãi suất này sẽ được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, lãi chậm trả sẽ được xác định bằng 50% mức lãi suất cho vay giới hạn tại thời điểm trả nợ là 20%/năm tương đương với mức lãi suất chậm trả là 10%/năm. Tuy nhiên, Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định về chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền, mà không quy định về chậm thực hiện nghĩa vụ trả vàng. Trên thực tiễn đang tồn tại hai cách áp dụng: Một là, quy đổi mỗi chỉ vàng tại thời điểm giải quyết tranh chấp để làm căn cứ tính tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ trả nợ của người vay; hai là, người vay không phải chịu lãi chậm thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho bên vay do pháp luật không có quy định về chậm thực hiện nghĩa vụ trả vàng mà chỉ có quy định về chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Việc pháp luật chưa có quy định cụ thể về vấn đề này gây ra khó khăn cho các bên tham gia giao dịch và nếu có tranh chấp loại hợp đồng này xảy ra thì các cơ quan có thẩm quyền sẽ gặp khó khăn khi giải quyết.

Thứ năm, về “thời gian hợp lý” trong hợp đồng vay tài sản không kỳ hạn: Về thực hiện hợp đồng vay tài sản không kỳ hạn, Điều 469 Bộ luật Dân sự năm 2015 chia làm hai loại là hợp đồng có lãi và hợp đồng không có lãi. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi, thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào nhưng phải báo cho nhau biết trước trong một thời gian hợp lý, nếu không có thoả thuận khác. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi, thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên vay trong một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay trong một thời gian hợp lý. “Thời gian hợp lý” do Tòa án căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xem xét, quyết định nhưng không quá 03 tháng kể từ ngày thông báo[2]. Vậy, đối với trường hợp bên vay và bên cho vay có được ấn định khoảng thời gian phải hoàn trả kể từ ngày một trong các bên thông báo lớn hơn 03 tháng không? Đối với trường hợp các bên trong hợp đồng vay tài sản không thỏa thuận thời gian hợp lý để hoàn trả tài sản vay nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng, một trong các bên đã thông báo cho bên còn lại thời hạn hoàn trả tài sản vay và được bên kia tiếp nhận và đồng ý và thời hạn này dài hơn 03 tháng thì có hợp pháp không? Trong khi đó, nguyên tắc cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng. Vậy, Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm giới hạn “thời gian hợp lý” Điều 469 Bộ luật Dân sự năm 2015 không quá 03 tháng kể từ ngày thông báo liệu có phù hợp hay không?

3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Một là, cần quy định rõ ràng ngoại hối sẽ bị giới hạn trong những trường hợp nào hoặc những điều kiện nào để ngoại hối trở thành đối tượng của hợp đồng vay tài sản. Về điều kiện, theo tác giả, để ngoại hối là đồng USD hoặc ngoại tệ khác trở thành đối tượng của hợp đồng vay tài sản thì nó phải được quy đổi sang tiền Việt Nam đồng. Đối với việc tài sản được hình thành trong tương lai có được xem là đối tượng của hợp đồng vay tài sản không, phải phụ thuộc vào sự bảo đảm của bên cho vay. Nếu bên cho vay có bảo đảm rằng, trong tương lai, số tiền hoặc tài sản đó sẽ được hình thành và thuộc phạm vi giá trị mà bên vay vay thì tài sản đó sẽ được xem là đối tượng của hợp đồng vay tài sản. Ngược lại, nếu bên cho vay không bảo đảm được số tiền hoặc tài sản đó sẽ được hình thành hoặc trong trường hợp có sự cam kết cho vay nhưng tài sản đó không hình thành hay hình thành không đủ thì cũng không được xem là đối tượng của loại hợp đồng này.

Hai là, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về giá trị tài sản khi vay để các bên có căn cứ lựa chọn hình thức thích hợp, giảm thiểu tối đa rủi ro và tranh chấp có thể xảy ra. Quy định này nên được điều chỉnh theo hướng bắt buộc nhưng vẫn có hướng áp dụng linh hoạt mà không phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của các chủ thể. Ngoài ra, cần bổ sung hướng dẫn về việc giao kết hợp đồng bằng phương tiện điện tử được truyền tải thông qua thông điệp dữ liệu. Đây là hình thức đã được Luật Giao dịch điện tử năm 2005 điều chỉnh. Tuy nhiên, việc áp dụng vẫn còn hạn chế do tính phức tạp của thao tác công nghệ, người dân đã quen với cách thức giao kết truyền thống và lo ngại về tính bảo mật. Do đó, việc bổ sung những hướng dẫn liên quan là cần thiết.

Ba là, cần có hướng dẫn cụ thể để xác định “thời gian hợp lý” tại Điều 469 Bộ luật Dân sự năm 2015 để bảo đảm quyền tự do, tự nguyện và quyền tự định đoạt của các bên trong việc giao kết và thực hiện giao dịch dân sự và giải quyết thống nhất khi có tranh chấp về vấn đề này.

Bốn là, bổ sung và hoàn thiện quy định về lãi suất vay trong hợp đồng vay tài sản có đối tượng là tiền và không phải là tiền như thời điểm thỏa thuận về lãi suất, hình thức thoả thuận, thời điểm có hiệu lực của thỏa thuận…

Năm là, bổ sung quy định về vấn đề về chủ thể tham gia giao kết hợp đồng vay tài sản là doanh nghiệp./.

[1]. PGS.TS. Nguyễn Văn Cừ & PGS.TS. Trần Thị Huệ, “Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015”, Nxb. Công an nhân dân.

[2]. Trường Đại học Luật Hà Nội (2017), Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam – Tập II, Nxb. Công an nhân dân.

(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 404), tháng 5/2024)


Xem thêm:

Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện về hợp đồng vay tài sản 

Hợp đồng cho thuê nhà


Lưu ý: Các thông tin, nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40, Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *