Quy định về bảo lãnh trong Bộ luật dân sự 2015

Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đều mang tính chất dự phòng và luôn tồn tại kèm theo một nghĩa vụ chính nên chỉ được áp dụng khi bên có nghĩa vụ đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ chính mà họ đã tự nguyện cam kết. Bảo lãnh là một trong 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, trong đó gồm bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh và bên được bảo lãnh.

  1. Bảo lãnh là gì?

Căn cứ Điều 335 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về bảo lãnh như sau:

“Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.”

– Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

2. Phạm vi bảo lãnh trong dân sự

Tại Điều 336 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về phạm vi bảo lãnh như sau:

– Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh.

– Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

– Trường hợp nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ phát sinh trong tương lai thì phạm vi bảo lãnh không bao gồm nghĩa vụ phát sinh sau khi người bảo lãnh chết hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại.

3. Quy định về thù lao bảo lãnh dân sự

Căn cứ Điều 337 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thù lao bảo lãnh trong dân sự như sau:

Bên bảo lãnh được hưởng thù lao nếu bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh có thỏa thuận.

4. Quy định về việc nhiều người cùng bảo lãnh trong dân sự

Căn cứ Điều 338 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc nhiều người cùng bảo lãnh như sau:

Khi nhiều người cùng bảo lãnh một nghĩa vụ thì phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định bảo lãnh theo các phần độc lập; bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người bảo lãnh liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

Khi một người trong số những người bảo lãnh liên đới đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh thì có quyền yêu cầu những người bảo lãnh còn lại phải thực hiện phần nghĩa vụ của họ đối với mình.

5. Quan hệ giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh trong dân sự

Tại Điều 339 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quan hệ giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh như sau:

– Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.

– Bên nhận bảo lãnh không được yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh khi nghĩa vụ chưa đến hạn.

– Bên bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp bên nhận bảo lãnh có thể bù trừ nghĩa vụ với bên được bảo lãnh.

Ảnh minh họa internet

6. Quyền yêu cầu của bên bảo lãnh trong dân sự

Căn cứ Điều 340 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền yêu cầu của bên bảo lãnh như sau:

Bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

7. Quy định miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong dân sự

Tại Điều 341 Bộ luật Dân sự 2015 quy định miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh như sau:

– Trường hợp bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

– Trường hợp chỉ một trong số nhiều người cùng bảo lãnh liên đới được miễn việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì những người khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của họ.

– Trường hợp một trong số những người nhận bảo lãnh liên đới miễn cho bên bảo lãnh không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình thì bên bảo lãnh vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người nhận bảo lãnh liên đới còn lại.

8. Trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh

Tại Điều 342 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh như sau:

– Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó.

– Trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại.

9. Trường hợp chấm dứt bảo lãnh dân sự

Tại Điều 343 Bộ luật Dân sự 2015 quy định Bảo lãnh chấm dứt trong trường hợp sau đây:

– Nghĩa vụ được bảo lãnh chấm dứt.

– Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

– Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

– Theo thỏa thuận của các bên.


Xem thêm:

Ủy quyền

Hợp đồng cho thuê nhà 

Các án lệ về Dân sự, Hôn nhân gia đình


Lưu ý: Các thông tin, nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *