Do hàng hóa thực phẩm là loại hàng hóa đa dạng về sản phẩm, đặc tính, thành phần,… Mỗi một sản phẩm, một khâu trong quá trình lưu thông thực phẩm phải đáp ứng những yêu cầu cụ thể, riêng biệt để bảo đảm thực phẩm được an toàn. Tuy nhiên, để bảo đảm ATTP, trước khi đáp ứng những yêu cầu (điều kiện) mang tính đặc thù đối với từng loại sản phẩm, từng quá trình, các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm cần phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện bảo đảm ATTP cơ bản do pháp luật quy định. Đó là những điều kiện chung bảo đảm ATTP. Trong bài viết này, Văn Phòng Luật sư Dương Công xin chia sẻ những nội dung này.
Đọc thêm: Thủ tục công bố thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhập khẩu
Giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm cho cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống
Mẫu bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn
Điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở (nơi kinh doanh)
Những điều kiện phải đáp ứng về cơ sở vật chất là các yêu cầu về: diện tích mặt bằng, kết cấu, vật liệu xây dựng nhà xưởng, kiến trúc khu vực kinh doanh, các điều kiện về môi trường,… nhằm bảo đảm cho thực phẩm được an toàn trong suốt quá trình kinh doanh. Điều kiện này được quy định tại Điều 19 Luật An toàn thực phẩm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định này. Hiện nay, Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở kinh doanh, đó là: Thông tư số 15/2012/TT-BYT ngày 12/09/2012 quy định về điều kiện chung bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (sau đây gọi là Thông tư số 15/2012/TT-BYT); Nghị định số 67/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế; Nghị định số 77/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, phân bón, kinh doanh khí, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Theo đó, các tổ chức, cá nhân căn cứ vào mặt hàng, lĩnh vực kinh doanh của mình thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ nào để đáp ứng các điều kiện về cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, về cơ bản, các nơi diễn ra hoạt động kinh doanh thực phẩm phải đáp ứng các yêu tại Điều 19 Luật ATTP 2010 và Điều 5, Thông tư 15/2012/TT-BYT, đó là các yêu: về diện tích kinh doanh; về khu vực kinh doanh; về thiết kế nhà xưởng phục vụ kinh doanh; về kết cấu và xây dựng; về vệ sinh môi trường; về duy trì điều kiện bảo đảm ATTP và lưu dữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm phục vụ truy xuất nguồn gốc khi có sự cố về ATTP. Như vậy, có thể thấy, các điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở buôn bán hàng hóa thực phẩm và cung ứng dịch vụ liên quan đến thực phẩm được pháp luật quy định cụ thể và chi tiết. Việc quy định chi tiết như trên thể hiện yêu cầu khắt khe của nhà nước đối với các chủ thể khi tạo dựng nơi buôn bán, cung ứng dịch vụ liên quan đến thực phẩm nhằm ngăn chặn tối đa nguy cơ gây mất ATTP có thể xảy ra trong suốt quá trình này.
Điều kiện về trang thiết bị, dụng cụ
Để bảo đảm ATTP việc đặt ra các yêu cầu đối với trang thiết bị, dụng cụ phục vụ hoạt động mua bán, cung ứng dịch vụ là hết sức quan trọng. Trong quá trình hoạt động thương mại thực phẩm, việc sử dụng những trang thiết bị, dụng cụ là tất yếu, việc đề ra và triệt để tuân thủ các yêu cầu đối với các trang thiết bị, dụng cụ này nhằm ngăn chặn các tác nhân làm cho thực phẩm bị ô nhiễm có thể gây hại đến tính mạng và sức khỏe người tiêu dùng. Nói cách khác, việc đặt ra các yêu cầu đối với trang thiết bị, dụng cụ là nhằm ngăn ngừa các yếu tố về sinh học, hóa học và vật lý có thể làm cho thực phẩm không an toàn đối với người sử dụng.
Để bảo đảm ATTP, các cơ sở phải đáp ứng các yêu cầu về trang thiết bị, dụng cụ được quy định tại Điều 6, Thông tư số 15/2012/TT-BYT, đó là các yêu cầu về: Sự đầy đủ của trang thiết bị phục vụ kinh doanh, bảo quản của từng loại thực phẩm và các quy định về quy trình, chế độ vệ sinh đối với cơ sở; Về trang thiết bị để kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, gió và các yếu tố ảnh hưởng tới ATTP theo yêu cầu kỹ thuật của từng loại sản phẩm thực phẩm trong quá trình kinh doanh; Về thiết bị phòng chống côn trùng và động vật gây hại; Về độ chính xác và chế độ bảo dưỡng, kiểm định đối với các thiết bị, dụng cụ giám sát, đo lường chất lượng.
Điều kiện đối với người thực hiện kinh doanh, sản xuất thực phẩm
Những người làm việc tại cơ sở kinh doanh thực phẩm là những người thường xuyên tiếp xúc với thực phẩm, vì vậy những tác nhân có thể gây mất ATTP có thể thông qua họ để làm ô nhiễm thực phẩm. Bởi vậy, việc quy định những yêu cầu đối với người trực tiếp kinh doanh thực phẩm là hết sức cần thiết nhằm ngăn chặn những mối nguy về ATTP. Pháp luật đặt ra các yêu cầu đối với người kinh doanh thực phẩm là phải đáp ứng đủ điều kiện về kiến thức, sức khỏe và thực hành ATTP. Về kiến thức, chủ cơ sở, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm phải học tập kiến thức vệ sinh ATTP theo quy định và có xác nhận tập huấn kiến thức ATTP do cơ sở có thẩm quyền cấp (khoản 1, Điều 7, Thông tư số 15/2012/TT-BYT). Về sức khỏe, chủ cơ sở, người quản lý có tiếp xúc với thực phẩm và người trực tiếp kinh doanh thực phẩm phải được khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần (và phải có Giấy xác nhận đủ điều kiện sức khoẻ theo quy định của Bộ Y tế). Người đang mắc các bệnh hoặc chứng bệnh thuộc danh mục các bệnh hoặc chứng bệnh truyền nhiễm mà người lao động không được phép tiếp xúc trực tiếp trong quá trình kinh doanh thực phẩm, đã được Bộ Y tế quy định (Lao, kiết lỵ, thương hàn, ỉa chảy, tả, mụn nhọt, són đái, són phân, viêm gan siêu vi trùng, viêm mũi, viêm họng mủ, các bệnh ngoài da, các bệnh da liễu, những người lành mang vi khuẩn gây bệnh đường ruột) thì không được tham gia trực tiếp vào quá trình kinh doanh thực phẩm. Về thực hành, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm phải thực hiện các yêu cầu bảo đảm vệ sinh đối với thực phẩm như: phải mặc trang phục bảo hộ riêng; không hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực kinh doanh thực phẩm.
Điều kiện về bảo quản thực phẩm:
Bảo quản thực phẩm là để giữ được chất lượng thực phẩm như ban đầu (tự nhiên) không bị hư hỏng, nhiễm bẩn, biến chất trong thời hạn bảo quản. Mục tiêu cụ thể của bảo quản thực phẩm là bảo vệ thực phẩm không bị ô nhiễm bởi vi sinh vật, hoá chất và mối nguy vật lý. Vi sinh vật luôn có trong thực phẩm, do vậy tiêu diệt và ngăn cản sự hoạt động của các loại vi khuẩn, nấm mốc, nấm men và đề phòng sự phát triển sinh sản của chúng trong thực phẩm là nhiệm vụ của công việc bảo quản thực phẩm.
Vai trò của bảo quản thực phẩm rất quan trọng trong việc tránh các mối nguy ngây ô nhiễm thực phẩm trong hoạt động thương mại thực phẩm. Ví dụ, độc tố vi nấm Aflatoxin có thể gây ung thư gan, gây giảm năng suất sữa, trứng trên động vật nuôi (bò, cừu, gia cầm…), độc tố này lại bền vững với nhiệt, đun nóng thông thường không phá huỷ được chúng. Biện pháp tốt nhất phòng Aflatoxin là thực hiện bảo quản khô, thoáng mát, tránh cho thực phẩm bị nhiễm mốc. Hay sự sai sót trong việc bảo quản thực phẩm bằng chiếu xạ sẽ làm cho thực phẩm bị nhiễm các chất phóng xạ và gây hại cho người sử dụng khi ăn, uống phải chúng. Do đó, việc pháp luật đặt ra các yêu cầu nghiêm ngặt trong việc bảo quản thực phẩm là hết sức cần thiết, tránh cho thực phẩm bị ô nhiễm, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.
Những yêu cầu cụ thể đối với bảo quản thực phẩm trong kinh doanh được quy định tại Điều 8, Thông tư số 15/2012/TT-BYT. Theo đó, thực phẩm phải được bảo quản trong khu vực chứa đựng, kho riêng và phải bảo đảm các yêu cầu nghiêm ngặt, cụ thể là các yêu cầu: đối với khu vực chứa đựng/ kho bảo quản; đối với thiết bị, dụng dụng cụ phục vụ bảo quản thực phẩm; đối với quy cách bảo quản.
Điều kiện bảo đảm ATTP trong vận chuyển
Trong vận chuyển thực phẩm phục vụ kinh doanh, các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ các điều kiện được quy định tại Điều 21 Luật ATTP. Bên cạnh đó, khoản 2, Điều 33 Nghị định số 77/2016/NĐ-CP quy định một số điều kiện bảo đảm ATTP trong vận chuyển thực phẩm. Theo đó, trong quá trình vận chuyển thực phẩm, tổ chức, cá nhân thực hiện vận chuyển thực phẩm phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về phương tiện vận chuyển và cơ chế vận chuyển.
Như vậy, pháp luật đã quy định khá đầy đủ, cụ thể và chi tiết về những điều kiện bảo đảm ATTP trên bình diện chung nhất cho các khâu, các công đoạn của quá trình kinh doanh thực phẩm. Đó là các yêu cầu cụ thể về cơ sở kinh doanh (nơi diễn ra hoạt động kinh doanh) thực phẩm, đối với người kinh doanh thực phẩm, đối với việc bảo quản và vận chuyển thực phẩm. Đây là những nghĩa vụ pháp lý bắt buộc của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm.
Trên đây là các điều kiện chung cho mọi hoạt động sản sản xuất kinh doanh thực phẩm, trong mỗi loại hình kinh doanh thực phẩm khác nhau có những yêu cầu riêng, vấn đề này chúng tôi sẽ trình bày tại các nội dung tiếp theo.
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.
Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com
Tiktok: tiktok.com/@lscchannel