1- Quy định pháp luật về Tội gây rối trật tự công cộng
Căn cứ theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:
“Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
Theo quy định trên, thì việc gây rối trật tự công cộng là hành vi làm náo động trật tự ở nơi công cộng hay gây ảnh hưởng xấu tới an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Tội gây rối trật tự công cộng là tội phạm đã được quy định từ rất sớm trong lịch sử của pháp luật hình sự.
2- Cấu thành tội phạm của tội gây rối trật tự công cộng
2.1. Chủ thể
Mặt chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần là người có hành vi vi phạm quy định về gây rối trật tự công cộng đến một độ tuổi nhất định và có năng lực trách nhiệm hình sự đều có thể là chủ thể của tội phạm này. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 thì người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm, vì tội phạm này không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
2.2. Mặt khách thể
Mặt khách thể của tội phạm thì tội gây rối trật tự công cộng là tội xâm phạm đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội ở nơi công cộng. Dưới góc độ thực tiễn, thì hành vi này thường là thường là khởi đầu cho những hành vi phạm tội khác kế tiếp như: Giết người, cố ý gây thương tích v.v… hoặc cũng có những hành vi phạm tội khác mà dẫn đến gây rối công cộng như tổ chức đua xe, đánh bạc, vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ v.v… Hậu quả của hành vi gây rối trật tự công cộng là thiệt hại về vật chất hoặc phi vật chất được xác định là nghiêm trọng cho xã hội.
2.3. Mặt khách quan
Mặt khách quan của tội phạm thì người phạm tội thực hiện hành vi gây rối bằng nhiều phương thức khác nhau như: tập trung đông người ở nơi công cộng gây náo động làm mất trật tự công cộng, đuổi đánh nhau, hò hét gây náo động ở nơi công cộng; đập phá các công trình công cộng, trong quán ăn, quán giải khát có đông người.
Trên thực tế, nếu người có hành vi gây rối trật tự công cộng nhưng đã đủ yếu tố cấu thành một tội phạm khác thì người có hành vi gây rối chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng đó. Ví dụ, trước hoặc sau khi có hành vi gây rối mà có hành vi giết người, cố ý gây thương tích hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này khi hành vi gây rối mà chưa đến mức cấu thành tội phạm cụ thể nào khác. Hành vi cấu thành tội phạm khi đã gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội phạm này mà còn vi phạm.
2.4. Mặt chủ quan
Xét về mặt chủ quan của tội phạm này là người phạm tội thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng là do cố ý.
3. Các khung hình phạt của tội cố ý gây rối trật tự công cộng
Hình phạt được chia làm 2 khung
– Khung thứ 1: Bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Hành vi gây rối trật tự công cộng mà để hậu quả xảy ra thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là “gây hậu quả nghiêm trọng” và phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 điều 318 của Bộ luật hình sự năm 2015 .
+ Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ;
+ Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân;
+ Thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên;
+ Chết người;
+ Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 31 % trở lên;
+ Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% trở lên;
+ Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên;
+ Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên.
Ngoài các hậu quả xảy ra về tính mạng, sức khoẻ và tài sản được hướng dẫn trên đây, thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất như có ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội…
Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra có phải là nghiêm trọng hay không.
– Khung thứ 2: Bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm nếu như thuộc một trong các trường hợp
+ Có tổ chức;
+ Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
+ Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng. Gây cản trở giao thông nghiêm trọng” quy định tại điểm c khoản 2 điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015 là gây cản trở giao thông từ 2 giờ trở lên hoặc gây cản trở giao thông ở những tuyến giao thông quan trọng, làm ách tắc giao thông trên diện rộng (không phân biệt thời gian bao lâu).
+ Xúi giục người khác gây rối;
+ Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
+ Tái phạm nguy hiểm.
Tuy nhiên, hậu quả của việc gây rối trật tự công cộng “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” theo quy định của BLHS năm 2015 thì hiện nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn hay quy định cụ thể mặc dù BLHS năm 2015 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Điều này đã gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực tiễn áp dụng pháp luật về tội gây rối trật tự công cộng.
Vì vậy để có thể làm rõ hơn về tội cố ý gây rối trật tự công cộng trong thời gian chờ văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật thì các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn nên áp dụng các trường hợp “gây hậu quả nghiêm trọng” theo hướng dẫn tại tiểu mục 5.1 của Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP để xử lý đối với những hành vi gây rối trật tự công cộng bảo đảm theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội. Tuy nhiên, để bảo đảm tính nghiêm minh, thống nhất của pháp luật, đề nghị các cơ quan Trung ương có thẩm quyền sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về hành vi gây rối trật tự công cộng “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” để giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội.